[Đăng ngày 19/03/2025]

Đến năm 2030, Khánh Hòa thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu về phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9-1-2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ và Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 20-2-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo chương trình hành động, đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu: Phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh thuộc nhóm 15 tỉnh/thành phố dẫn đầu trong cả nước; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GRDP; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 85%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng xây dựng, phát triển các giá trị văn hóa, xã hội, đóng góp vào Chỉ số Phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7. Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; có ít nhất 2 - 3 tổ chức khoa học và công nghệ hàng đầu Việt Nam đặt trụ sở chính nghiên cứu, sản xuất tại Khánh Hòa; số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng văn bằng bảo hộ, nhãn hiệu tăng trung bình 10 -18%; đạt tối thiểu 3 sáng chế, giải pháp hữu ích/năm; tỷ lệ khai thác thương mại đạt 8 - 10%...

Đến năm 2030, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của tỉnh sẽ đạt 12 người/vạn dân. Ảnh: baokhanhhoa.vn.

Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng phấn đấu hình thành ít nhất 1 khu công nghiệp công nghệ cao/khu công nghiệp công nghệ thông tin theo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hạ tầng số tiên tiến, hiện đại, dung lượng lớn, băng thông rộng thuộc nhóm đầu các địa phương trong cả nước; từng bước ứng dụng một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, mạng cáp quang băng rộng với băng thông lớn, thông tin di động 5G, 6G, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi. Hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành đô thị thông minh tại các địa phương có đủ điều kiện. Thực hiện quản lý Nhà nước trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số, hình thành sàn giao dịch dữ liệu. Phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hóa số đạt mức cao; bảo đảm an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu trong nước…

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, chương trình hành động đã xây dựng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh. Triển khai thực hiện các chính sách mới để tạo sự bứt phá, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh Khánh Hòa; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan; nâng cao hiệu quả quản trị của địa phương, hiệu lực quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; tăng cường hợp tác phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh.

nguồn:https://chuyendoiso.khanhhoa.gov.vn/

[Đăng ngày 09/03/2025]

Năm 2025, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành phố đứng đầu về chuyển đổi số

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa năm 2025.

Mục tiêu của kế hoạch là đến năm 2025, tỉnh Khánh Hòa sẽ đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành, tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số; đưa tỉnh Khánh Hòa nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện cài đặt, sử dụng các tiện ích trên ứng dụng Công dân số tỉnh Khánh Hòa.

Trong đó, đối với lĩnh vực Chính quyền số, các sở, ngành, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện cài đặt, sử dụng các tiện ích trên ứng dụng Công dân số tỉnh Khánh Hòa (bao gồm Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị tỉnh), tăng cường khả năng tương tác giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp; tiếp tục triển khai 31 mô hình để khai thác, sử dụng hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Tăng cường ứng dụng giải pháp công nghệ mới, ứng dụng AI để xây dựng, nâng cấp, mở rộng các nền tảng, hệ thống thông tin của ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực có tác động lớn đến xã hội như: Y tế (kios xếp hàng và thanh toán viện phí, đặt lịch khám bệnh tại nhà, hồ sơ bệnh án điện tử, kiểm soát an toàn, vệ sinh thực phẩm, chăm sóc sức khỏe người dân, phục vụ xét nghiệm...), giáo dục (học bạ điện tử, thư viện thông minh, dạy và học tập thông minh,...), du lịch (bảng chỉ dẫn điện tử, quảng cáo dịch vụ trên thiết bị thông minh, khảo sát thị trường, thị hiếu du khách; tư vấn tự động 24/7 các dịch vụ du lịch qua chatbots, robot, trợ lý ảo); nông nghiệp (tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm; dự báo cung, cầu, thị trường tiêu thụ sản phẩm), tài nguyên và môi trường (cảnh báo sớm các vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường; giám sát, quan trắc tự động việc xả thải, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường)... Tập trung nguồn lực triển khai các dự án, nhiệm vụ đã được xác định và phê duyệt tại Đề án đô thị thông minh tại thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh; hoàn thành việc phê duyệt Đề án xây dựng đô thị thông minh tại thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm.

Đối với lĩnh vực Kinh tế số, tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung tổ chức triển khai các chính sách, chương trình, kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, vừa, siêu nhỏ trên địa bàn; nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách đặc biệt để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số, trọng tâm là hình thành các khu công nghệ thông tin tập trung; triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách, nhất là cho các hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm tạo điều kiện tiếp cận, nắm bắt, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, thương mại điện tử…

Đối với lĩnh vực Xã hội số, tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức các khóa học trực tuyến đại trà để phổ biến cho người dân kiến thức cơ bản về sử dụng và quản lý, bảo vệ dữ liệu cá nhân, làm việc với dữ liệu và khai thác dữ liệu nhằm phát triển dữ liệu có chất lượng. Tăng cường vai trò Tổ Công nghệ số cộng đồng và triển khai Đề án 06 tại địa phương với phương châm hướng đến người dân, doanh nghiệp, đi từng ngõ, gõ từng nhà, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, tổ dân phố, doanh nghiệp tham gia các hoạt động chuyển đổi số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các chức năng, tiện ích trên VNeID (9 dịch vụ, tiện ích cho tài khoản định danh điện tử mức 1; 16 dịch vụ, tiện tích cho tài khoản định danh điện tử mức 2 và các tiện ích mới: Sổ sức khoẻ điện tử; cấp phiếu lý lịch tư pháp; tiện ích “Loa phường”,...). Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế và các chợ trên địa bàn tỉnh; triển khai phổ cập cho người dân sử dụng ứng dụng thanh toán số thông qua ví điện tử, tài khoản ngân hàng, Mobile Money...; khuyến khích các cửa hàng, cửa hiệu, doanh nghiệp triển khai thanh toán không dùng tiền mặt và có chính sách ưu đãi; triển khai các sáng kiến thúc đẩy thanh toán số không dùng tiền mặt như: Làng số, xã số, chợ, khu phố không dùng tiền mặt, từ đó lan tỏa, nhân rộng. Tổ chức triển khai chính thức Hệ thống Khu dân cư điện tử tỉnh Khánh Hòa…

nguồn: https://chuyendoiso.khanhhoa.gov.vn/


[Đăng ngày 07/03/2025]

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành giao một số nhiệm vụ cho Tổ công tác KPI

Sáng 7-3, ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm việc với các thành viên trong Tổ công tác triển khai bộ công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả công việc (gọi tắt là Tổ công tác KPI).

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành đánh giá việc thực hiện bộ công cụ KPI trong thời gian đầu chắc chắn sẽ làm cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức cảm thấy bỡ ngỡ. Nhưng đây là bộ công cụ có nhiều điểm ưu việt trong giám sát chất lượng, hiệu quả thực hiện công việc của cán bộ, công chức, viên chức để làm cơ sở trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ; áp dụng cơ chế tiền lương; quy hoạch, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức; sắp xếp tinh gọn bộ máy…

Ông Nghiêm Xuân Thành cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc của Tổ công tác KPI đã nỗ lực nghiên cứu để triển khai đảm bảo hiệu quả nhất; đánh giá cao sự cầu thị, tinh thần trách nhiệm của 7 cơ quan, đơn vị được lựa chọn triển khai thí điểm đợt 1 đã nghiêm túc trong việc lãnh đạo, giao việc trên phần mềm, đặc biệt là 100% cán bộ, công chức, viên chức của 7 cơ quan, đơn vị đã vào hệ thống thực hiện kê khai công việc, tự đánh giá, tự chấm điểm công việc và được lãnh đạo xác nhận, chấm điểm.

Ngày 10-3, Tổ công tác KPI cần cập nhật lại kết quả thực hiện thí điểm trong những ngày vừa qua và có báo cáo việc triển khai ở từng cơ quan, đơn vị để có chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời. Trên cơ sở những kết quả của đợt 1, bước vào thực hiện thí điểm đợt 2, các thành viên trong Tổ công tác KPI cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát, hoàn thiện, điều chỉnh một số định mức công việc theo đúng mức chuẩn; quá trình triển khai cần nghiên cứu những tính năng sát với thực tế hơn để cập nhật, bổ sung vào phần mềm; trình bày, chia sẻ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đợt 1 tại buổi tập huấn vào ngày 14-3 để các đại biểu ở 12 cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm đợt 2 nắm bắt rõ hơn...

Đại diện Tổ công tác KPI báo cáo tình hình thực hiện thí điểm bộ công cụ KPI trong đợt 1.

Theo báo cáo về tình hình triển khai phần mềm tại các cơ quan, đơn vị thí điểm đợt 1, sau hội nghị tập huấn, tất cả các cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị được chọn đã hiểu rõ về nguyên tắc quản lý công việc, giao nhận việc, ghi nhật ký công việc… trên bộ công cụ KPI. Căn cứ số liệu trên hệ thống đã ghi nhận, 100% cơ quan thí điểm đợt 1 triển khai sử dụng chức năng theo kế hoạch. Những vướng mắc trong quá trình triển khai thí điểm đã được cập nhật kịp thời để Tổ công tác KPI hỗ trợ, giải đáp nhanh chóng qua điện thoại trực tiếp, nhóm Zalo chung, số hotline của Sở Khoa học và Công nghệ…

Tổ công tác cũng đã báo cáo cụ thể một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thí điểm sử dụng bộ công cụ KPI trong những ngày qua; từ đó đề xuất những giải pháp, phương án khắc phục. Trong những ngày tới, Tổ công tác KPI sẽ tổ chức tập huấn triển khai phần mềm KPI cho 12 cơ quan, đơn vị thí điểm đợt 2 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến vào ngày 14-3; tiếp tục theo dõi sát tình hình triển khai thí điểm KPI tại các cơ quan, đơn vị để hỗ trợ kịp thời; tổng hợp, ghi nhận đề xuất kiến nghị của các cơ quan, đơn vị để điều chỉnh, hoàn thiện phần mềm KPI…

Theo baokhanhhoa.vn.

[Đăng ngày 05/03/2025]

Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030”.

Tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa. Ảnh: baokhanhhoa.vn.

Mục tiêu của kế hoạch là phấn đấu đến hết năm 2025, tỉnh Khánh Hòa sẽ xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030”; triển khai nâng cấp hạ tầng mạng nội bộ tại trụ sở làm việc của Sở Dân tộc và Tôn giáo đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin cấp độ 1; 100% cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác dân tộc được đầu tư đảm bảo về hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số; hoàn thành nhiệm vụ “Xây dựng Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc tỉnh Khánh Hòa”.

Giai đoạn 2026 – 2030, đối với lĩnh vực phát triển chính quyền số: Phấn đấu 100% lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện sử dụng chữ ký số cá nhân trong xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường số; 100% hồ sơ công việc của các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác dân tộc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); 100% lãnh đạo quản lý, cán bộ, công chức thực hiện công tác dân tộc các cấp được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số cơ bản; 100% các thủ tục hành chính trong cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc được thực hiện dịch vụ công trực tuyến; 100% báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề, báo cáo thống kê lĩnh vực công tác dân tộc phục vụ chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh được tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; 100% dữ liệu mở lĩnh vực công tác dân tộc cấp tỉnh được công bố, cập nhật theo quy định.

Đối với lĩnh vực phát triển xã hội số và kinh tế số, giai đoạn 2026 – 2030: Phấn đấu 50% doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ tiếp cận thông tin về công nghệ số, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; 80% trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số; có chính sách hỗ trợ dịch vụ viễn thông, Internet cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; 50% chủ thể OCOP là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

UBND tỉnh giao Sở Dân tộc và Tôn giáo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch; đôn đốc, theo dõi, đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện các nội dung của kế hoạch; chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch với các chương trình, kế hoạch khác có liên quan; cụ thể hóa các nội dung của kế hoạch thành các chương trình, kế hoạch hàng năm trong thực hiện công tác dân tộc; chủ trì triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và thúc đẩy chuyển đổi số trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh…

nguồn: https://chuyendoiso.khanhhoa.gov.vn/

[Đăng ngày 28/02/2025]

Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 56/TB-VPCP ngày 23-02-2025 kết luận Phiên họp tổng kết hoạt động Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu có bước phát triển tốt

Trong năm 2024, công tác chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ trung ương đến cơ sở; tích cực hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06; kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực; hạ tầng số và các nền tảng số được quan tâm đầu tư; cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu có bước phát triển tốt; cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện; Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vẫn còn những hạn chế như: Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách còn nhiều bất cập; nhiều nhiệm vụ theo Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 chưa hoàn thành; kinh tế số, hạ tầng số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế; công tác an ninh mạng, an toàn thông tin nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao; nhân lực cho chuyển đổi số, Đề án 06 còn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, phân bổ chưa đồng đều.

Tinh thần triển khai gắn với 5 "tăng tốc, bứt phá"

Thông báo kết luận nêu rõ quan điểm chỉ đạo là bám Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong kỷ nguyên vươn mình, đất nước giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tinh thần triển khai gắn với 5 "tăng tốc, bứt phá": 

a) Thứ nhất là tăng tốc, bứt phá trong chuyển đổi số, đưa công nghệ số lan tỏa đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và ở mức hai con số trong những năm tiếp theo.

b) Thứ hai là tăng tốc, bứt phá trong số hóa các ngành kinh tế, tạo ra bước nhảy vọt về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

c) Thứ ba là tăng tốc, bứt phá trong phát triển hạ tầng số, xây dựng nền tảng vững chắc cho nền kinh tế số, phải ưu tiên và xác định có trọng tâm, trọng điểm.

d) Thứ tư là tăng tốc, bứt phá trong phát triển nhân lực số, trang bị kiến thức, kỹ năng cho thế hệ tương lai, sẵn sàng nắm bắt các cơ hội trong kỷ nguyên số.

đ) Thứ năm là tăng tốc, bứt phá trong phát triển Chính phủ số, xã hội số, công dân số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Lãnh đạo từ trên xuống, nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên

Chủ đề chuyển đổi số năm 2025 là: "Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số", trong đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu gương đi đầu, tiên phong trong nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp luận về chuyển đổi số; chỉ đạo quyết liệt những nhiệm vụ chậm tiến độ, tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn theo nguyên tắc "lãnh đạo từ trên xuống, nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên". Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về chuyển đổi số và Đề án 06 bằng nhiều hình thức.

Đồng thời, khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị trong tháng 02 năm 2025, đảm bảo "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm" để đánh giá, đo lường, kiểm tra, giám sát; Hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhất là cơ sở dữ liệu về đất đai; nghiên cứu, xây dựng đề án ứng dụng internet vạn vật (IoT) trong một số ngành, lĩnh vực, như: sản xuất, thương mại, năng lượng, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh; rà soát, đánh giá, nghiên cứu phương án triển khai trung tâm giám sát, điều hành thông minh dựa trên dữ liệu, kết nối với Trung tâm điều hành của Chính phủ bảo đảm thiết thực, hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật.

Chuyển trạng thái cung cấp dịch vụ công từ "xin - cho" sang trạng thái "chủ động - phục vụ"; đẩy mạnh xóa bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình hướng tới dịch vụ số cá nhân hóa, không phụ thuộc địa giới hành chính. Phấn đấu đến hết năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Đến ngày 30-6, tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng

Hết tháng 6 năm 2025, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân.

Đến ngày 30 tháng 6 năm 2025, tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức các bộ, ngành, địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính, áp dụng chính sách thu phí không đồng để thu hút người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến như mô hình thành phố Hà Nội đã triển khai; phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an số hóa dữ liệu hộ tịch và đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch, phục vụ cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thành trước ngày 31 tháng 3 năm 2025; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường số hóa dữ liệu đất đai trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2025.

Phát động phong trào thi đua toàn quốc về phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu phát động phong trào thi đua toàn quốc về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo khí thế, hiệu ứng lan tỏa đến từng người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ công vụ.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Luật Công nghiệp công nghệ số để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 năm 2025; kịp thời trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn sau khi luật được ban hành. Hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử năm 2023 về cơ sở dữ liệu dùng chung.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 năm 2025; kịp thời trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn sau luật được ban hành để triển khai thực hiện. Sớm hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dữ liệu.

Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác triển khai chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 năm 2024 tại phiên họp tháng 3 năm 2025, đồng thời tổ chức khen thưởng theo thẩm quyền được giao và quy định của pháp luật.

nguồn: https://chuyendoiso.khanhhoa.gov.vn/
[Đăng ngày 28/02/2025]

Phát động phong trào thi đua phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

UBND tỉnh vừa ban hành chỉ thị về việc phát động phong trào thi đua “Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, doanh nhân và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thực hiện thành công cuộc cách mạng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.

Phát động phong trào thi đua phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Ảnh minh họa (Ảnh: baochinhphu.vn).

Theo chỉ thị, Chủ tịch UBND tỉnh phát động phong trào thi đua với các nhiệm vụ trọng tâm như: Các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh, các đơn vị Trung ương thuộc khối thi đua tỉnh tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Xác định rõ mục đích, mục tiêu, yêu cầu, nội dung và phương thức tổ chức phong trào thi đua bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiệm vụ cụ thể của chương trình hành động về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; thực hiện chuyển đổi số trong cả hệ thống chính trị, đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; triển khai sâu rộng phong trào “học tập số”, nâng cao kiến thức khoa học, công nghệ, kiến thức số trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân. Đưa nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, đánh giá bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương; khen thưởng, động viên kịp thời các nhà khoa học, nhà sáng chế, tổ chức, cá nhân có thành tích trong nghiên cứu khoa học và chuyển đổi số; trân trọng từng phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc dù nhỏ nhất…

Cơ quan Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh (Sở Nội vụ) tăng cường quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tiếp tục tham mưu triển khai các phong trào thi đua do Chủ tịch UBND tỉnh phát động, làm nòng cốt cho các phong trào thi đua của tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu khen thưởng cấp tỉnh, cấp Nhà nước đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua để kịp thời biểu dương, tôn vinh nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, của đất nước trong năm 2025…

nguồn: https://chuyendoiso.khanhhoa.gov.vn/

[Đăng ngày 24/02/2025]

Tăng cường tuyên truyền về những ứng dụng công nghệ số

Đây là ý kiến chỉ đạo của ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại phiên họp lần thứ 7 của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, diễn ra sáng 18-2-2025.

Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (đứng) phát biểu tại phiên họp.

Tại phiên họp, sau khi nghe báo cáo đánh giá kết quả hoạt động chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa năm 2024 và ý kiến của các thành viên, ông Đinh Văn Thiệu đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền về những ứng dụng công nghệ số của cơ quan, đơn vị mình đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân; khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2025; tập trung nguồn lực triển khai các đề án, dự án, nhiệm vụ chuyển đổi số được giao gắn với thường xuyên kiểm tra tiến độ, chất lượng các dự án, công trình; đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ số đã triển khai, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh dữ liệu trong quá trình khai thác, sử dụng; rà soát, đề xuất kinh phí triển khai các hệ thống thông tin, nền tảng số sau khi hết thời gian thí điểm để tỉnh xem xét, bố trí nguồn ngân sách Nhà nước phù hợp...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương tham mưu UBND tỉnh triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, cần tập trung tham mưu xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh năm 2025; kế hoạch nâng cao chỉ số chuyển đổi số tỉnh; dự thảo chính sách đãi ngộ dành cho cán bộ, công chức phụ trách công nghệ thông tin của các sở, ngành, địa phương; tập trung nguồn lực xây dựng, đưa vào sử dụng các nền tảng, hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh theo đúng tiến độ (Trung tâm giám sát và điều hành thông minh, Kho dữ liệu dùng chung, Ứng dụng công dân số, phần mềm theo dõi, đánh giá công việc…); đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyển đổi số của tỉnh; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức làm công tác công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng tham mưu hoạt động chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương...

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, năm 2024, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục sử dụng có hiệu quả các hệ thống thông tin, nền tảng số và triển khai một số ứng dụng mới như: Trung tâm thông tin điều hành tỉnh; ứng dụng Công dân số; Cổng dữ liệu mở tỉnh; Trung tâm Điều hành về giáo dục và đào tạo tỉnh. Đến nay, có 23 dịch vụ dữ liệu dùng chung đã được cài đặt, tích hợp chia sẻ trên Nền tảng tích hợp ứng dụng và dịch vụ công nghệ thông tin tỉnh. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được duy trì kết nối, tích hợp ổn định với 11 hệ thống thông tin của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã hoàn thành tích hợp giải pháp ký số từ xa. Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành chính sách miễn thu phí, lệ phí đối với dịch vụ công trực tuyến khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng; phê duyệt danh mục 14 thủ tục hành chính thực hiện thí điểm cung cấp dịch vụ công trực tuyến không sử dụng hồ sơ giấy… Đối với lĩnh vực kinh tế số, xã hội số, đến nay, 100% trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng số, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí và các giao dịch khác; 100% cơ sở y tế triển khai phương thức không dùng tiền mặt; các doanh nghiệp cũng đã chủ động tiếp cận, tìm hiểu các sản phẩm công nghệ mới (quản trị doanh nghiệp, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số, kế toán, nhân sự…), qua đó lựa chọn áp dụng giải pháp phù hợp với quy mô hoạt động, từng bước thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp…

nguồn: chuyendoiso.khanhhoa.gov.vn


[Đăng ngày 18/02/2025]

Ngành Thuế tỉnh Khánh Hòa: Hiện đại hóa công tác quản lý thuế

Cùng với việc đẩy mạnh các giải pháp hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước, thời gian qua, ngành Thuế tỉnh Khánh Hòa còn thực hiện hiệu quả tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử nhằm hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi, giảm thời gian đi lại cho doanh nghiệp và người dân.

Hoàn thành tốt 2 nhiệm vụ trọng tâm

Triển khai thực hiện Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Thuế tỉnh sớm chủ động và tích cực tham gia vào các nhiệm vụ trọng tâm thuộc đề án với mục tiêu “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”. Trong đó, ngành Thuế tỉnh đăng ký thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Triển khai thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT) khởi tạo từ máy tính tiền và chuyển đổi số trong công tác quản lý hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Ngay sau đó, Cục Thuế tỉnh đã đẩy mạnh triển khai và giao chỉ tiêu thực hiện cụ thể cho các chi cục thuế khu vực và TP. Nha Trang.

Người dân ký nhận hóa đơn ngay khi mua hàng tại Chi nhánh SJC Nha Trang.

Tính đến ngày 30-9-2024, tỷ lệ triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền của toàn ngành Thuế tỉnh đạt 100% kế hoạch và hoàn thành chỉ tiêu Tỉnh ủy giao với 1.753 cơ sở kinh doanh thuộc diện triển khai đã thực hiện đăng ký HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền. Đến ngày 31-12-2024, có 10/10 nội dung về chuyển đổi số trong công tác quản lý hộ, cá nhân kinh doanh đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, hộ kinh doanh mới phát sinh thực hiện đăng ký tài khoản giao dịch điện tử đạt 68,8% (kế hoạch 50%); hộ kinh doanh theo phương pháp khoán đăng ký tài khoản giao dịch điện tử đạt 60,3% (kế hoạch 25%); hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai đăng ký thực hiện tài khoản giao dịch điện tử đạt 100% (kế hoạch 50%)...

Ông Phạm Văn Hữu - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Phòng khám đa khoa và bác sĩ gia đình Olympia (TP. Nha Trang) cho biết, ngay khi ngành Thuế tuyên truyền triển khai sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền, doanh nghiệp lập tức tìm hiểu và triển khai thực hiện. Việc sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền bước đầu giúp doanh nghiệp chủ động về thời gian trong việc lập, điều chỉnh hóa đơn, xử lý triệt để những khó khăn, vướng mắc về độ trễ giữa thời điểm thanh toán và thời điểm lập hóa đơn; hạn chế các trường hợp thất lạc, mất hóa đơn, thuận tiện trong việc tra cứu, truy xuất, lưu trữ dữ liệu... Thời gian tới, kiến nghị ngành Thuế tiếp tục nâng cấp phần mềm, áp dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại nhằm đáp ứng công tác quản lý thuế tiên tiến; triển khai mở rộng dịch vụ thuế điện tử, kho cơ sở dữ liệu người nộp thuế (NNT); tổ chức vận hành, hỗ trợ dịch vụ khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử đảm bảo hệ thống hoạt động thường xuyên, liên tục; xử lý các vướng mắc cho NNT nhanh gọn, đúng quy định của pháp luật.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo ông Trịnh Lê Nin - Phó Trưởng phòng Kê khai và Kế toán thuế Cục Thuế tỉnh, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện công tác chuyển đổi số, ngành Thuế còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Theo Nghị định số 123/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ cho phép NNT được đăng ký cùng lúc 2 hình thức HĐĐT có mã thông thường và HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền. Vì vậy, hiện nay, đa số NNT đều đăng ký cùng lúc 2 hình thức này. Tuy nhiên, sau khi được cơ quan thuế chấp nhận đăng ký, NNT vẫn áp dụng HĐĐT có mã thông thường nên khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền. Ngoài ra, cơ quan thuế rất khó khăn trong việc thu thập bổ sung số điện thoại, email đối với hộ, cá nhân kinh doanh đang hoạt động theo phương pháp khoán và hộ kinh doanh dưới ngưỡng nộp thuế do NNT đa số lớn tuổi, không sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, email…; nhiều người vẫn còn thói quen nộp thuế bằng tiền mặt tại ngân hàng, chưa thực hiện đăng ký, kê khai thuế, nộp thuế cũng như các thủ tục thuế khác bằng hình thức điện tử…

Nhằm tiếp tục triển khai hoàn thành các nhiệm vụ theo Đề án 06 của Chính phủ trong năm 2025, ngành Thuế tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích HĐĐT, HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, chương trình hóa đơn may mắn và các chế tài xử phạt vi phạm về quản lý sử dụng hóa đơn đối với người bán hàng hóa, dịch vụ; thường xuyên rà soát đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mới phát sinh, kịp thời liên hệ đề nghị NNT đăng ký sử dụng đối với những trường hợp thuộc diện triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền. Đồng thời, bố trí công chức trực tiếp quản lý thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp, hộ kinh doanh để nắm bắt những khó khăn trong quá trình triển khai áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền; phối hợp với doanh nghiệp cung cấp giải pháp HĐĐT để tìm ra các giải pháp hỗ trợ NNT sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền… Cùng với đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn cho người tiêu dùng khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Đối với nhiệm vụ chuyển đổi số trong quản lý hộ, cá nhân kinh doanh, ngành Thuế tỉnh tăng cường triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để giảm thời gian đi lại của NNT, tăng tính chính xác, nhanh chóng trong các hoạt động nghiệp vụ của ngành Thuế; tiếp tục phối hợp với các đơn vị quản lý nhà nước rà soát, chuẩn hóa thông tin định danh của NNT, nhằm nâng cao nhất tỷ lệ đối khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ, cá nhân kinh doanh cài đặt và sử dụng ứng dụng eTax Mobile, từ đó nâng cao tỷ lệ đối khớp thông tin định danh của mã số thuế cá nhân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nâng tỷ lệ thu thập số điện thoại, email của NNT đạt được chỉ tiêu đề ra; phân công và giao trách nhiệm đến từng đơn vị, công chức, gắn kết quả thực hiện với việc xếp loại thi đua, khen thưởng…

Theo baokhanhhoa.vn.

[Đăng ngày 07/02/2025]

Nhiều lợi ích khi sử dụng bệnh án điện tử

Bệnh án điện tử (EMR) là hệ thống lưu trữ và quản lý toàn bộ thông tin của bệnh nhân dưới dạng kỹ thuật số. EMR được sử dụng trong lĩnh vực y tế, giúp thay thế cho hồ sơ bệnh án bằng giấy truyền thống nhằm lưu trữ thông tin quan trọng của bệnh nhân. Bệnh án điện tử được xác định có vai trò quan trọng trong ngành Y tế, mang lại nhiều lợi ích vượt trội đối với bệnh nhân và các cơ sở y tế. Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa là cơ sở y tế đầu tiên trong tỉnh được công bố đạt điều kiện ứng dụng bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy.

Cơ quan chức năng thẩm định điều kiện ứng dụng bệnh án điện tử tại Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa.

Theo lãnh đạo VNPT Khánh Hòa, bệnh án điện tử là một hồ sơ theo dõi thời gian thu thập thông tin qua một hoặc nhiều lần khám tại đơn vị y tế. Thông tin ghi nhận bao gồm dữ liệu hành chính, ghi chú theo dõi, vấn đề sức khỏe, thuốc, sinh hiệu, tiền căn bệnh, tình trạng miễn dịch chủ động (vắc xin), dữ liệu cận lâm sàng và báo cáo chẩn đoán hình ảnh. Bệnh án điện tử tự động hóa công việc của nhân viên y tế; có khả năng tạo báo cáo hoàn chỉnh về lần khám bệnh, đồng thời hỗ trợ các tính năng liên quan khác (trực tiếp hoặc gián tiếp trên giao diện làm việc), bao gồm hỗ trợ quyết định dựa trên bằng chứng, quản lý chất lượng và báo cáo kết quả công việc. Bệnh án điện tử được xác định mang lại nhiều lợi ích vượt trội đối với bệnh nhân và các cơ sở y tế.

Một bệnh án điện tử được sử dụng để lưu trữ thông tin quan trọng của bệnh nhân gồm: Thông tin cá nhân (tên, địa chỉ, số liên lạc); lịch sử y tế (các chẩn đoán, bệnh lý đã từng mắc); đơn thuốc (toa thuốc đã kê và lịch sử sử dụng thuốc); kết quả xét nghiệm, hình ảnh y học và các thông số y tế khác. Đây là một bước tiến trong công tác quản lý hồ sơ bệnh án và phục vụ đắc lực cho việc khám, chữa bệnh. Bệnh án điện tử mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp bệnh nhân không phải lưu trữ các loại giấy tờ như: Kết quả chẩn đoán, xét nghiệm, danh mục thuốc…; không còn phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh. Bệnh án điện tử đặc biệt hỗ trợ rất tốt đối với bệnh nhân đang điều trị bệnh lý mạn tính hoặc bệnh lý có nguy cơ cao như: Đái tháo đường, tăng/hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim… và bệnh nhân cao tuổi. Một điểm nổi bật khác của bệnh án điện tử là giúp lưu trữ hồ sơ bệnh án, thông tin bệnh nhân một cách chi tiết và có hệ thống; giúp các bác sĩ đưa ra kết quả chẩn đoán, hạn chế việc chỉ định các xét nghiệm không cần thiết. Bên cạnh đó, bệnh án điện tử giúp người bệnh giảm chờ đợi; giảm thủ tục rườm rà, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Đối với các cơ sở y tế, khi sử dụng bệnh án điện tử, việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế sẽ minh bạch, thông suốt, giúp cho công tác quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có; tránh tình trạng trục lợi thẻ bảo hiểm y tế. Các cơ sở y tế sẽ không mất nhiều diện tích để lưu trữ hồ sơ bệnh án, việc tìm hồ sơ bệnh án thuận tiện hơn; rút ngắn được thời gian, thủ tục khám, nhập viện của bệnh nhân. Bên cạnh đó, các bác sĩ nắm rõ tình trạng của bệnh nhân khi nhập viện bởi có đầy đủ thông tin về tình trạng bệnh, loại thuốc người bệnh đã và đang sử dụng, giúp ích hơn trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh. Việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử còn giúp giảm nhiều chi phí in phim khi chụp chẩn đoán hình ảnh, in giấy cho kết quả xét nghiệm, thay vào đó chỉ cần lưu trữ và truyền tải; bác sĩ và nhân viên y tế không phải di chuyển từ khoa này qua khoa khác để lấy kết quả xét nghiệm… Bệnh án điện tử còn giúp thu thập dữ liệu để hỗ trợ tốt cho việc chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ cho các công tác khác như: Tính viện phí, quản lý chất lượng, báo cáo kết quả điều trị, báo cáo thống kê…

Theo lãnh đạo VNPT Khánh Hòa, nhận thấy lợi ích thiết thực từ việc ứng dụng bệnh án điện tử, từ năm 2021, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa đã tiên phong phối hợp với VNPT Khánh Hòa triển khai số hóa tất cả các biểu mẫu trong hồ sơ bệnh án. Từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã từng bước phối hợp với VNPT Khánh Hòa số hóa, ký số và lưu trữ toàn bộ hồ sơ bệnh án giấy lên hệ thống bệnh án điện tử. Đơn vị đã đầu tư, hoàn thiện hồ sơ bệnh án điện tử. Đến nay, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa là cơ sở y tế đầu tiên tại Khánh Hòa được công bố đạt điều kiện ứng dụng bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy.

Theo baokhanhhoa.vn.

[Đăng ngày 10/01/2025]

Tăng cường hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo về tăng cường hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp sử dụng rộng rãi, hiệu quả các ứng dụng, dịch vụ trực tuyến. Ảnh minh họa (Ảnh: Thanh Hiền).

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt triển khai sử dụng rộng rãi, hiệu quả các ứng dụng, dịch vụ trực tuyến; tổ chức đánh giá tổng thể về hiện trạng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị; rà soát các chỉ đạo, hướng dẫn về triển khai chuyển đổi số của tỉnh để có định hướng tổng thể, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình rõ ràng về chuyển đối số; đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành các đề án, dự án, nhiệm vụ chuyển đổi số theo kế hoạch đến năm 2025, làm cơ sở định hướng lộ trình phát triển các nền tảng, ứng dụng đến năm 2030; lựa chọn, triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số phù hợp với điều kiện của ngành, lĩnh vực, địa phương từ nay đến hết năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030, bảo đảm cả 3 nội dung: Phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Các sở, ban, ngành chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai phương án, chương trình xây dựng và phát triển nền tảng, ứng dụng và cơ sở dữ liệu toàn ngành, tránh trùng lắp, lãng phí theo hướng dẫn của bộ, ngành và phù hợp với mô hình, kiến trúc dữ liệu của tỉnh, bảo đảm cơ sở dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ, cung cấp theo quy định; ưu tiên các cơ sở dữ liệu có liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính của ngành, lĩnh vực, qua đó làm cơ sở cải cách, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng lộ trình phát triển hoặc đề xuất xây dựng các nền tảng, ứng dụng, cơ sở dữ liệu phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành tại địa phương theo định hướng phát triển của địa phương, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và yêu cầu của mô hình, kiến trúc dữ liệu, đáp ứng việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các nền tảng, ứng dụng. Chỉ đạo Tổ công nghệ số cộng đồng và triển khai Đề án 06 tại địa phương phát huy vai trò và tăng cường hoạt động với phương châm hướng đến người dân, doanh nghiệp, đi từng ngõ, gõ từng nhà, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, tổ dân phố, doanh nghiệp tham gia các hoạt động chuyển đổi số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

UBND thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa và huyện Cam Lâm tăng cường nguồn lực tài chính cho đào tạo nhân lực công nghệ thông tin phục vụ xây dựng đô thị thông minh; quản lý tốt về vấn đề nhân lực công nghệ thông tin phục vụ cho xây dựng đô thị thông minh.

UBND tỉnh cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, quy định, quy chế, hướng dẫn về triển khai công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, bảo đảm tránh trùng lặp, thống nhất, đồng bộ về kiến trúc và mô hình ở tất cả các nội dung về hạ tầng kết nối, hạ tầng tính toán, hạ tầng lưu trữ, nền tảng ứng dụng, cơ sở dữ liệu về người dùng, an toàn thông tin; tuyên truyền phổ biến và cách thức tổ chức quản lý khai thác sử dụng. Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2026 - 2030 phục vụ mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đảm bảo đáp ứng các yêu cầu phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển công dân số. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng chiến lược dữ liệu và quản trị dữ liệu tỉnh Khánh Hòa (chiến lược dữ liệu và các văn bản quy định về quản trị dữ liệu trên địa bàn tỉnh để đảm bảo dữ liệu của tỉnh được quản lý có hiệu quả, an toàn; là nguồn dữ liệu sống cho các hệ thống ứng dụng IOC, App Công dân số). Chủ trì, phối hợp các cơ quan, doanh nghiệp xây dựng các chính sách để thúc đẩy tối đa việc ngầm hóa, kết nối và thực hiện chia sẻ, dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp viễn thông. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các hội, hiệp hội trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa. Phối hợp với các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (CA), Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử, các doanh nghiệp cung cấp tên miền địa chỉ Internet để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai chương trình thúc đẩy, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiện diện trực tuyến tin cậy, an toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia “.vn”, chữ ký số cho người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Nghiên cứu, tham mưu cơ chế chính sách đặc biệt để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số trọng tâm là hình thành các khu công nghệ thông tin tập trung.

 

nguồn: chuyendoiso.khanhhoa.gov.vn

[Đăng ngày 18/12/2024]

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Khánh Hòa: Đưa vào hoạt động kiosk y tế thông minh

Ngày 12-12, Sở Y tế phối hợp với Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) tổ chức trao tặng miễn phí kiosk y tế thông minh, trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng cho Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Sau khi tiếp nhận, bệnh viện đưa ngay kiosk vào hoạt động, đặt tại khu vực tiếp đón bệnh nhân.

Các đại biểu cắt băng khánh thành kiosk y tế thông minh.

Người dân thực hiện đăng ký khám, chữa bệnh tại kiosk y tế thông minh.

Kiosk y tế thông minh có nhiều chức năng giúp người bệnh có thể tự đăng ký khám bệnh mà không cần chờ đợi lâu như: Đăng ký khám, chữa bệnh qua xác thực thẻ căn cước công dân (CCCD) và nhận diện khuôn mặt; tự động liên kết thông tin bảo hiểm y tế theo số CCCD; tạo tài khoản ngân hàng để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh… Đồng thời, qua kiosk, các y, bác sĩ có thể chủ động tiếp nhận thông tin, theo dõi lịch sử khám bệnh của bệnh nhân một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện. Đây là kiosk y tế thông minh thứ 6 được ngành Y tế đưa vào hoạt động tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp ngành Y tế số hóa được toàn bộ quy trình, hồ sơ, vừa đáp ứng triển khai mô hình khám, chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD, VNeID và sử dụng sinh trắc học thuộc Đề án 06. 

Dự kiến, ngành Y tế sẽ triển khai vận hành đặt tại các bệnh viện trong tỉnh khoảng 17 kiosk y tế thông minh.

Theo baokhanhhoa.vn.

[Đăng ngày 13/12/2024]

Đăng ký chữ ký số cá nhân VNPT SmartCA ngay trên VneID

Hiện nay, VNPT là nhà cung cấp chữ ký số đầu tiên đáp ứng quy định an toàn để kết nối với VNeID. Công dân có thể khởi tạo chữ ký số VNPT SmartCA ngay trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an và thực hiện ký số miễn phí hoàn toàn trên các cổng dịch vụ công.

Nhân viên Trung tâm Kinh doanh VNPT - Khánh Hòa hướng dẫn khách hàng đăng ký chữ ký số cá nhân VNPT SmartCA ngay trên VneID.

Theo giới thiệu của đại diện Trung tâm Kinh doanh VNPT - Khánh Hòa, VNPT là nhà cung cấp chữ ký số đầu tiên đáp ứng quy định an toàn và được Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) cho phép kết nối hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an với Hệ thống thông tin của Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT VinaPhone). Từ đó, công dân có tài khoản định danh điện tử cấp độ 2 có thể thực hiện đăng ký chữ ký số VNPT SmartCA ngay trên ứng dụng VNeID.  

Như vậy, VNPT SmartCA là dịch vụ chữ ký số đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại hỗ trợ công dân khởi tạo chữ ký số của mình ngay trên VNeID. Bên cạnh phương thức khởi tạo chữ ký số VNPT SmartCA trên app VNPT SmartCA mà người dùng đã quen thuộc thì nay các cá nhân có thể sử dụng thêm phương thức sử dụng tài khoản định danh điện tử cấp độ 2 đã được xác thực bởi Bộ Công an từ hệ thống định danh và xác thực điện tử trên ứng dụng VNeID để đăng ký chữ ký số cá nhân hoàn toàn miễn phí và không phải cung cấp các bản sao giấy tờ, hồ sơ thuê bao như cách đăng ký truyền thống trước đây.

Để cài đặt và đăng ký gói chữ ký số cá nhân VNPT SmartCA miễn phí trên VNeID, khách hàng chỉ cần thực hiện 8 bước sau: Bước 1, khách hàng tải hoặc cập nhật ứng dụng VNeID hoặc VNPT SmartCA trên điện thoại lên phiên bản mới nhất thông qua Google Play, App Store. Bước 2, người dùng chỉ cần mở ứng dụng VNeID và đăng nhập bằng tài khoản tương ứng (mã định danh cá nhân và mật khẩu). Bước 3, tại giao diện chính của ứng dụng, khách hàng hãy bấm vào mục Dịch vụ khác - Chứng thư chữ ký số - Đăng ký chứng thư chữ ký số và nhập passcode. Trong trường hợp trước đó đã đăng ký chữ ký số, người dùng có thể bấm vào mục Chứng thư chữ ký số đã đăng ký để xem lại. Bước 4, trong cửa sổ mới hiện ra, người dùng chỉ cần chọn Đăng ký chứng thư chữ ký số - VNPT SmartCA - nhập passcode. Sau đó, đánh dấu vào ô "Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng dịch vụ và chính sách quyền riêng tư của VNPT SmartCA" và bấm “Tiếp tục”. Bước 5, hệ thống sẽ tự động điều hướng sang link hoàn thành đăng ký dịch vụ VNPT SmartCA, khách hàng điền số điện thoại rồi bấm “tiếp theo”. Bước 6, khách hàng xác nhận thông tin và thiết lập mật khẩu cho VNPT SmartCA, sau đó tích vào ô "Tôi đồng ý..." và bấm “Tiếp tục”. Bước 7, sau khi đăng ký tài khoản thành công, khách hàng chọn “Đăng ký chứng thư số” rồi chọn gói “Chứng thư số PS0” và bấm "Thanh toán". Bước 8, khách hàng ký hồ sơ đăng ký dịch vụ theo quy định, sau đó kích hoạt dịch vụ, thiết lập mã pin và ký xác nhận trên biên bản nghiệm thu.

Cũng theo chia sẻ của đại diện Trung tâm Kinh doanh VNPT - Khánh Hòa, hiện nay, VNPT SmartCA đã kết nối và tích hợp với hơn 900 ứng dụng khác nhau như: Cổng Dịch vụ công quốc gia; Cổng Dịch vụ công Bộ Công an; thuế, hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước; các cổng dịch vụ công của tỉnh, thành phố trên toàn quốc; các hệ thống ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bảo hiểm và hầu hết các ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục, y tế… Trong đó, công dân sử dụng chữ ký số VNPT SmartCA để thực hiện các thủ tục hành chính sẽ được VNPT hỗ trợ giao dịch ký số hoàn toàn miễn phí. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm, sự đóng góp của VNPT với vai trò dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia và đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc phổ cập chữ ký số cá nhân, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu đến năm 2025 có 50% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân, đến năm 2030 con số này sẽ hơn 70%.

Theo baokhanhhoa.vn.

[Đăng ngày 05/12/2024]

Vạn Ninh: Thực hiện hiệu quả Đề án 06

Những năm qua, huyện Vạn Ninh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Huyện đang tập trung khắc phục khó khăn, đưa ra nhiều giải pháp trong thực hiện Đề án 06 nhằm đem lại nhiều tiện ích cho tổ chức và người dân.

Nhiều tiện ích

Đưa vợ đến Bệnh viện Đa khoa huyện Vạn Ninh khám bệnh, ông Huỳnh Văn Thắng (thị trấn Vạn Giã) cầm căn cước công dân tới quầy làm thủ tục bảo hiểm y tế. Chỉ sau vài giây đưa căn cước vào đầu đọc, mọi thông tin của bệnh nhân được hiển thị chính xác; sau đó, ông Thắng đưa vợ đi làm xét nghiệm, chụp chiếu hình ảnh. Ông Thắng chia sẻ: “Từ ngày đồng bộ thẻ bảo hiểm y tế với căn cước công dân, việc tôi đưa vợ đi khám bệnh định kỳ tiện lợi hơn rất nhiều. Chỉ cần cầm theo căn cước tới bệnh viện, nhân viên y tế quẹt thẻ là vào làm thủ tục khám được ngay, không phải mang theo đủ loại giấy tờ như trước đây. Đặc biệt, chỉ cần sử dụng điện thoại có app của ngân hàng, quét mã QR là thanh toán tiền, không phải đem theo tiền mặt. Có thể nói, chuyển đổi số giúp đem lại nhiều tiện ích cho người dân trong cuộc sống”.

Bệnh viện Đa khoa huyện Vạn Ninh quét căn cước công dân trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân.

Ông Lương Đăng Trường - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh cho biết, cùng với nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh, đơn vị còn đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm đem lại tiện ích cho người dân. Trung tâm đã trang bị 21 đầu đọc căn cước công dân tại các trạm y tế xã, thị trấn, phòng khám khu vực và các khoa khám bệnh viện. Đồng thời, tích cực tuyên truyền cho người dân thực hiện đồng bộ thông tin thẻ bảo hiểm y tế với căn cước công dân. Nhờ đó, từ năm 2022 đến nay, đã có hơn 213.500/381.200 lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sử dụng căn cước công dân. Cùng với đó, đơn vị còn tăng cường ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như: Chuyển khoản, quét mã QR, quẹt thẻ qua POS tại quầy thu phí. Việc thanh toán không dùng tiền mặt vừa tiện lợi, nhanh chóng, vừa đảm bảo an toàn, tránh xảy ra việc đem theo tiền mặt dễ bị mất cắp. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa Đề án 06 giúp mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Theo báo cáo của UBND huyện Vạn Ninh, qua 2 năm triển khai Đề án 06, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, công tác chỉ đạo được triển khai quyết liệt, nghiêm túc. Huyện đã thành lập 14 tổ công tác triển khai Đề án 06 ở cấp huyện và xã; thành lập tổ công nghệ số cộng đồng ở 100% thôn, tổ dân phố; hoạt động tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp. Từ tháng 12-2022 đến nay, toàn huyện có 51.484 hồ sơ lĩnh vực dịch vụ hành chính công được giải quyết trực tuyến, đạt 94,8%; 25 thủ tục hành chính thiết yếu và 28 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu được huyện thực hiện nghiêm túc... Cùng với đó, toàn huyện đã cấp 122.835 thẻ căn cước công dân, đạt 96,9%; thực hiện dữ liệu hóa vào hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp 158.226 trường hợp; cập nhật 100% hội viên các hội, đoàn thể lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Tiếp tục thực hiện các giải pháp

Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn huyện vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Còn nhiều người dân chưa thay đổi thói quen làm việc trên môi trường điện tử, hạn chế trong tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin; đường truyền chưa ổn định nên việc truy cập có lúc bị gián đoạn ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục cho công dân; bộ phận thực hiện dữ liệu về dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” phải đảm nhận nhiều công việc nên tạo áp lực, quá tải dẫn đến hiệu quả chưa cao…

Theo lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh, thời gian tới, cùng với việc khắc phục những khó khăn, hạn chế, toàn huyện tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06. Trong đó, tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, linh hoạt; chú trọng hỗ trợ, hướng dẫn người dân tạo lập tài khoản và sử dụng dịch vụ công. Đồng thời, bố trí các điểm truy cập Internet công cộng tốc độ cao, tạo điều kiện cho công dân truy cập thuận tiện; phát huy vai trò tổ công nghệ số cộng đồng và đoàn thanh niên trong hướng dẫn, hỗ trợ công dân nâng cao kỹ năng số; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, trình độ, kỹ năng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tham mưu, triển khai Đề án 06; tập trung số hóa hồ sơ, làm sạch dữ liệu của các ngành, đảm bảo thông tin luôn “đúng, đủ, sạch, sống”, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm, tính gương mẫu đi đầu của người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong chỉ đạo, triển khai cụ thể hóa các nhiệm vụ của Đề án 06… Tuy nhiên, để việc triển khai Đề án 06 của huyện đạt kết quả cao hơn nữa, UBND tỉnh cần kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm khắc phục một số lỗi, thiếu sót trong quá trình vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cải thiện đường truyền đảm bảo không bị gián đoạn; rà soát, cải tiến quy trình, thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhất là dịch vụ công thiết yếu…

Theo baokhanhhoa.vn.

[Đăng ngày 05/12/2024]

Trung tâm Điều hành giáo dục tỉnh: Cho cái nhìn toàn cảnh về giáo dục

Trung tâm Điều hành giáo dục tỉnh Khánh Hòa đặt tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa chính thức đi vào hoạt động. Để hiểu rõ hơn về hoạt động của trung tâm, phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GD-ĐT.


Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

- Thưa ông, để chuẩn bị cho Trung tâm Điều hành giáo dục tỉnh đi vào hoạt động, thời gian qua, Sở GD-ĐT đã triển khai những công việc gì?

- Trung tâm Điều hành giáo dục tỉnh là một trong những trung tâm được khai trương sớm trên cả nước liên quan đến vấn đề cơ sở dữ liệu ngành. Việc xây dựng trung tâm là 1 trong 2 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chuyển đổi số của ngành Giáo dục tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Mục tiêu của trung tâm là hình thành cơ sở dữ liệu quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh đảm bảo các yêu cầu như: Tích hợp, kết nối liên thông với trung tâm điều hành IOC của tỉnh; sẵn sàng tích hợp dữ liệu phục vụ triển khai các ứng dụng, tiện ích phục vụ quản lý, điều hành và hỗ trợ các hoạt động dạy, học của ngành GD-ĐT; cung cấp các thông tin đầy đủ, nhanh chóng, chính xác phục vụ công tác quản lý điều hành, hỗ trợ ra quyết định của cơ quan quản lý giáo dục. Đồng thời, xây dựng hệ thống giáo dục mở nhằm thu hút các tổ chức kinh tế - xã hội, nhân dân chung tay phát triển GD-ĐT theo định hướng mô hình phát triển giáo dục toàn diện tiệm cận chuẩn quốc tế.

Để đưa trung tâm đi vào hoạt động, ngành GD-ĐT tỉnh đã có quá trình triển khai trong 2 năm, từ việc cập nhật cơ sở dữ liệu ngành, xin ý kiến UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT trong vấn đề liên thông nguồn dữ liệu. Được sự chấp thuận của UBND tỉnh, Cục Công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ Quảng Ích để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, học bạ số ngành Giáo dục tỉnh, phối hợp thực hiện cài đặt, vận hành, triển khai tập huấn và nâng cấp theo yêu cầu của Sở GD-ĐT.  

- Các tính năng hoạt động của Trung tâm Điều hành giáo dục tỉnh có điểm gì đáng chú ý, thưa ông?

- Trung tâm có các tính năng tích hợp bản đồ mạng lưới trường học; hệ thống theo dõi sĩ số và cảnh báo sĩ số thời gian thực (tích hợp ứng dụng quản lý và điều hành ngành GD-ĐT); hệ thống theo dõi điều hành công tác tuyển sinh đầu cấp; hệ thống dự báo tăng trưởng học sinh, việc thừa, thiếu giáo viên theo năm học. Đồng thời, tiến tới kết nối trực tiếp với hệ thống camera điều hành của nhà trường, giúp các cấp quản lý có thể dễ dàng quan sát trực tuyến hoạt động dạy và học trong trường.

Trung tâm Điều hành giáo dục tỉnh.

Đây là nơi tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của ngành GD-ĐT tỉnh, qua đó giúp các cấp lãnh đạo giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ đạo và quản lý chất lượng giáo dục một cách tổng thể, cho phép phân tích dữ liệu lớn, hỗ trợ ra quyết định, thực hiện báo cáo thống kê nhanh chóng và chính xác. Trung tâm Điều hành giáo dục tỉnh được ví như “bộ não số” với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về giáo dục của tỉnh. Trung tâm thực hiện giám sát, điều hành chỉ tiêu GD-ĐT; giám sát hiệu quả hoạt động của các cấp quản lý giáo dục; giám sát, điều hành chất lượng dạy và học của các cơ sở giáo dục công lập và tư thục trên địa bàn tỉnh… Điều này giúp công tác điều hành và xử lý công việc được diễn ra minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả. Không chỉ tổng hợp số liệu đơn thuần, trung tâm còn đưa ra các cảnh báo, dự báo, các chỉ số hỗ trợ các cấp quản lý đưa ra quyết định chỉ đạo một cách chính xác, phù hợp với thực tế.

Mô hình hệ thống ngành Giáo dục tỉnh.

- Để trung tâm hoạt động thông suốt, hiệu quả, thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ triển khai những công việc gì, thưa ông?

- Để trung tâm được triển khai thông suốt từ cấp tỉnh đến các trường đòi hỏi việc cập nhật cơ sở dữ liệu ngành đầy đủ, chính xác, đồng bộ. Về điều này, Sở GD-ĐT đã có các văn bản chỉ đạo tới các trường để triển khai. Thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục xây dựng trục kết nối dữ liệu thời gian thực với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT và các ngành khác thông qua chuẩn kết nối; xây dựng hệ thống báo cáo thống kê, tổng hợp số liệu theo yêu cầu quản lý của địa phương như: Quy mô mạng lưới trường lớp, kết quả học tập, tuyển sinh đầu cấp...; hỗ trợ truy cập đa nền tảng... Trong quá trình triển khai, trung tâm sẽ rà soát, tiếp tục cập nhật, bổ sung cơ sở dữ liệu ngành phong phú hơn, giúp đánh giá một cách thực chất tình hình của ngành GD-ĐT để từ đó đưa ra những dự báo, định hướng cần thiết.

- Xin cảm ơn ông! 

Theo baokhanhhoa.vn.

[Đăng ngày 02/12/2024]

Thêm địa chỉ hỗ trợ khách du lịch

Sau thời gian xây dựng, mới đây, Sở Du lịch đã giới thiệu ứng dụng web (Web App) Trung tâm điều hành thông tin, hỗ trợ khách du lịch tại địa chỉ https://ttdhsdl.khanhhoa.gov.vn. Với ứng dụng này, du khách có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin cần thiết về du lịch của Nha Trang - Khánh Hòa như: Cơ sở lưu trú; đơn vị lữ hành; nhà hàng; điểm vui chơi, giải trí; sản phẩm du lịch; điểm mua sắm…

Trung tâm điều hành thông tin, hỗ trợ khách du lịch là dự án nằm trong kế hoạch chuyển đổi số ngành Du lịch giai đoạn 2022 - 2025. Dự án có tổng đầu tư khoảng 4,7 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Các hạng mục đầu tư của dự án gồm: Mua sắm trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực của Phòng Hỗ trợ khách du lịch, thuộc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Khánh Hòa (bao gồm các trạm đầu mối tiếp nhận thông tin hỗ trợ khách du lịch, tổng đài đường dây nóng thuộc phạm vi quản lý). Các thiết bị mua sắm gồm: Máy tính để bàn, điện thoại bàn có chức năng ghi âm, tai nghe, điện thoại di động có chức năng ghi âm, nghe gọi, kết nối Internet; ki-ốt màn hình cảm ứng lấy ý kiến du khách và tra cứu tại chỗ. Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng phần mềm, đào tạo, hướng dẫn sử dụng “Hệ thống quản lý thông tin du lịch” tại Sở Du lịch.

Đại diện đơn vị tư vấn giới thiệu Trung tâm điều hành thông tin, hỗ trợ khách du lịch tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp du lịch ngày 11-11.

Sau thời gian xây dựng, mới đây, Sở Du lịch đã giới thiệu ứng dụng web (Web App) Trung tâm điều hành thông tin, hỗ trợ khách du lịch tại địa chỉ https://ttdhsdl.khanhhoa.gov.vn. Hiện tại, khi truy cập địa chỉ nêu trên, du khách có thể tra cứu cơ sở lưu trú; đơn vị lữ hành; hướng dẫn viên; nhà hàng; điểm vui chơi, giải trí; tài nguyên du lịch; sản phẩm du lịch; điểm mua sắm; số liệu kinh doanh; lễ hội văn hóa; sự kiện văn hóa... bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ông Nguyễn Thanh Cương - Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho biết, đến nay, Trung tâm điều hành thông tin, hỗ trợ khách du lịch đã đưa lên trang web thông tin của 225 cơ sở lưu trú, 22 đơn vị lữ hành, 31 khu điểm du lịch, 22 sản phẩm du lịch… Khi truy cập, du khách có thể có các thông tin cơ bản như: Địa chỉ, số điện thoại, email, trang web của các đơn vị, xếp hạng sao (đối với cơ sở lưu trú), định vị trên bản đồ số, xem đánh giá của du khách đối với dịch vụ, sản phẩm mà các doanh nghiệp cung cấp. Chỉ cần 1 cú click, du khách dễ dàng kết nối đến trang web hoặc trang mạng xã hội của các doanh nghiệp này. Hiện nay, Phòng Quản lý du lịch (Sở Du lịch) tiếp tục cập nhật thêm dữ liệu. Ngoài ra, du khách có thể đặt câu hỏi trực tiếp với hỗ trợ viên trung tâm; báo cáo tình huống khẩn cấp cho cơ quan chức năng thông qua số điện thoại đường dây nóng của trung tâm hoặc các tin nhắn phản hồi, bình luận...

Ứng dụng mang lại nhiều thông tin cho khách du lịch.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch cho biết, các trang thông tin điện tử Sở Du lịch đang quản lý như: nhatrang-travel.comsdl.khanhhoa.gov.vn chủ yếu thông tin về điểm đến cho du khách, song chưa có sự tương tác để nắm bắt tâm lý, thị hiếu của du khách. Ứng dụng web Trung tâm điều hành thông tin, hỗ trợ khách du lịch ra đời tạo kênh thông tin thống nhất, tập trung hỗ trợ điểm đến cho du khách, cho phép kết nối với các hệ thống thông tin khác và mạng xã hội để hỗ trợ du khách, khắc phục những tồn tại của các phần mềm, hệ thống thông tin hiện có, tăng tính tương tác trải nghiệm cho du khách, tạo sự thuận lợi cho việc điều hành quản lý của cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, Trung tâm điều hành còn khắc phục các hạn chế hiện nay trong công tác điều hành, xử lý những vấn đề hỗ trợ khách du lịch, hướng đến môi trường du lịch thông minh, an toàn; giám sát bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách.

Trung tâm điều hành thông tin, hỗ trợ khách du lịch đã mang lại nhiều thông tin hữu ích cho những ai quan tâm đến du lịch Khánh Hòa, nhất là khách du lịch. Tuy nhiên, nhiều người trong ngành Du lịch cho rằng ứng dụng này cần có thêm các mục như: Tin tức du lịch (để đăng tải các bài viết của báo chí về du lịch Nha Trang - Khánh Hòa), review du lịch Khánh Hòa, chương trình khuyến mãi của các doanh nghiệp du lịch…

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, hiện tại Trung tâm điều hành thông tin, hỗ trợ khách du lịch vẫn đang trong thời gian vận hành thử nghiệm. Sắp tới, sở sẽ tiếp tục làm việc với đơn vị tư vấn để bổ sung thêm các mục cần thiết. 

Theo baokhanhhoa.vn.



Đang online: 20

Số lượt truy cập: 1159222