[Đăng ngày 18/08/2023]

Quy định mới về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.


Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về "Lập và giao kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm của quốc gia" (Điều 5) như sau:

Việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công.

Việc lập kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm của quốc gia được thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia; quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chủ chương trình chủ trì, phối hợp với chủ dự án thành phần và các cơ quan có liên quan:

Dự kiến mục tiêu, nhiệm vụ và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 5 năm của chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đề xuất giải pháp chủ yếu để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Xây dựng phương án phân bổ và thông báo dự kiến mức vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 5 năm; hằng năm thông báo mức vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 3 năm của chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 5 năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 5 năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định Luật Đầu tư công.

Nguyên tắc quản lý hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung "Nguyên tắc quản lý hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia" (Điều 20).

Theo đó, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động phát triển sản xuất là hỗ trợ có điều kiện; thời gian hỗ trợ theo chu kỳ sản xuất hoặc theo thời hạn đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia. Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án, kế hoạch, phương án, mô hình phát triển sản xuất thực hiện trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chi phí lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất (bao gồm chi phí khảo sát, đánh giá; thành lập hội đồng lựa chọn dự án, mô hình; lựa chọn đơn vị đặt hàng, giao nhiệm vụ; tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ; thẩm định giá trong phương án mua sắm vật tư, hàng hóa, dịch vụ) được tính trong kinh phí thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất hoặc kinh phí thường xuyên của cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; không vượt quá 5% tổng kinh phí được giao để thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất.

Ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi và những hàng hóa, dịch vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án. Đơn giá thu mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tính theo giá thị trường trên địa bàn tại cùng thời điểm, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận tại giấy biên nhận mua bán với người dân.

Các dự án, kế hoạch, phương án, mô hình (gọi chung là dự án) phát triển sản xuất phải đảm bảo tối thiểu 50% người dân tham gia dự án là đối tượng hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thực hiện dự án có trên 70% người dân tham gia dự án là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

Thanh toán, quyết toán nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất căn cứ kết quả nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành theo tiến độ từng năm hoặc giai đoạn.

Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị

Theo Nghị định, điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị là: Dự án, kế hoạch liên kết phải xác định được kết quả về chỉ số tạo việc làm, mức tăng thu nhập, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo kế hoạch năm và thời điểm kết thúc dự án. Đơn vị chủ trì liên kết và các đối tượng liên kết phải có hợp đồng hoặc biên bản hợp tác về đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm.

Nội dung hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản chương trình phù hợp với từng chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó ưu tiên thực hiện các nội dung hỗ trợ đối tượng liên kết: Đào tạo kỹ thuật sản xuất; tập huấn nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường. Chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi. Vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ, giống cây trồng, vật nuôi. Quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước: Hỗ trợ tối đa không quá 80% tổng chi phí thực hiện một dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn đặc biệt khó khăn; không quá 70% tổng chi phí thực hiện một dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn khó khăn; không quá 50% tổng chi phí thực hiện một dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nguồn: https://khanhhoa.gov.vn/

[Đăng ngày 28/07/2023]

Khu Kinh tế Vân Phong: Tập trung thu hút đầu tư

Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong đang tập trung thu hút đầu tư để trở thành cực tăng trưởng mới của tỉnh, 1 trong 3 vùng động lực phát triển kinh tế của địa phương.

Đẩy mạnh xúc tiến, hỗ trợ đầu tư

Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 55 của Quốc hội đã tạo cơ chế đột phá để huy động tối đa nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong việc phát triển KKT Vân Phong. Trong 6 tháng đầu năm, Ban Quản lý (BQL) KKT Vân Phong đã tập trung hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động đúng tiến độ đối với một số dự án lớn để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của KKT. Cụ thể, Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đã đạt tiến độ thực hiện 94,86% so với kế hoạch; giải ngân được 2,12 tỷ USD, đạt 82% so với tổng vốn đăng ký. Vào tháng 5, tổ máy số 1 đã vận hành thử và hiện nay tăng cường công suất 100% (660MW); còn tổ máy số 2 đã hoàn thành 90% công suất, dự kiến tháng 8 sẽ chính thức vận hành. Bên cạnh đó, BQL KKT hỗ trợ Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm thực hiện điều chỉnh tăng vốn, thực hiện thủ tục ký quỹ và xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết; điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án Khu du lịch Dốc Lết Phương Mai; tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp (KCN) Ninh Thủy để hoàn thành trước tháng 9-2023.

 

Nhà máy Đóng tàu Hyundai Việt Nam ở khu nam Vân Phong.

Trong công tác xúc tiến đầu tư, BQL KKT đã tổ chức tiếp đón và xúc tiến đầu tư tại chỗ nhiều đoàn khách đến nghiên cứu cơ hội đầu tư vào KKT Vân Phong trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, BQL đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu tổ chức thành công Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2023 (tham mưu UBND tỉnh thực hiện ký kết 11 biên bản ghi nhớ tại hội nghị); tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đi khảo sát thực địa tại khu vực nam Vân Phong trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Chương trình tổng kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; tổ chức Hội nghị xúc tiến hợp tác Ấn Độ với các tỉnh Nam Trung Bộ năm 2023…

Ưu tiên các dự án lớn

Để đẩy nhanh sự phát triển của KKT Vân Phong, mới đây, UBND tỉnh đã yêu cầu BQL KKT Vân Phong đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu để làm cơ sở cho công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào KKT; tiếp tục hỗ trợ Tập đoàn Sumitomo xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 để có thể đưa vào hoạt động đúng tiến độ. Trong thu hút đầu tư, sẽ thu hút có chọn lọc các dự án sử dụng tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng; sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Trong đó, ưu tiên lựa chọn những ngành, lĩnh vực dự án mà Việt Nam có lợi thế về các chính sách, biện pháp hàng rào thuế quan và phi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là các hiệp định thế hệ mới. 


Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai. Ảnh: Hoàng Đại Thạch

Thời gian tới, KKT Vân Phong sẽ tập trung thu hút đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo; lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực đại dương, hàng hải, công nghệ sinh học, dược liệu biển và sinh thái biển với quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên. Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính phải có quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỷ đồng trở lên; đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300ha hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên. Ngoài ra, mảng công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, chế biến dầu khí, điện tử, khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở KKT Vân Phong cũng chỉ thu hút các dự án có quy mô vốn đầu tư trên 6.000 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Trọng Hoàng - Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết, nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 55 của Quốc hội, thời gian tới, BQL KKT Vân Phong sẽ đẩy nhanh công tác quy hoạch phân khu xây dựng trong KKT Vân Phong và các KCN. Mục tiêu năm 2023, KKT Vân Phong thu hút đầu tư mới với tổng vốn đăng ký khoảng 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm tra, đôn đốc tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Ninh Thủy; hỗ trợ, đôn đốc tiến độ triển khai xây dựng các dự án lớn, như: Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm, Khu du lịch Dốc Lết Phương Mai. Ngoài ra, BQL sẽ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và công bố danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư vào KKT Vân Phong sau khi các quy hoạch phân khu chức năng được phê duyệt. Đồng thời, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 55 (đặc biệt là cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược) nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển của KKT Vân Phong.

Ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Vân Phong sẽ phát triển theo mô hình KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước. Trong đó, kinh tế biển là nền tảng với cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics; đô thị, dịch vụ du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác. Đây cũng là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi, giải trí tổng hợp cao cấp, với những sản phẩm dịch vụ du lịch độc đáo, khác biệt và hiện đại. Đến năm 2030, diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 14.900ha và dân số tại KKT Vân Phong khoảng 350.000 - 380.000 người. Không gian phát triển theo hai hướng bắc - nam. Trong đó, hướng bắc xây dựng đô thị du lịch cao cấp quốc tế với các loại hình du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, casino; phía nam sẽ phát triển đô thị công nghiệp. Phát triển Vân Phong chính là sự vận dụng và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 55 của Quốc hội, góp phần thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, hướng tới mục tiêu phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa

[Đăng ngày 19/05/2023]
Công bố công khai Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 huyện Vạn Ninh
TB 319.signed.pdf
[Đăng ngày 11/05/2023]
Công bố công khai Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 huyện Vạn Ninh
TB 319.signed.pdf
[Đăng ngày 06/04/2023]
Kế hoạch tổ chức công bố điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050
3231.pdf
[Đăng ngày 18/03/2023]

Trình Thủ tướng phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong

Ngày 7-3, UBND tỉnh có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.


Theo tờ trình, KKT Vân Phong có diện tích khoảng 150.000ha, trong đó phần mặt nước khoảng 80.000ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.000ha. Phạm vi bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên các xã: Vạn Thạnh, Vạn Thọ, Đại Lãnh, Vạn Phước, Vạn Bình, Vạn Long, Vạn Khánh, Vạn Thắng, Vạn Phú, Vạn Lương, Vạn Hưng và thị trấn Vạn Giã thuộc huyện Vạn Ninh; các phường: Ninh Hiệp, Ninh Giang, Ninh Đa, Ninh Thủy, Ninh Diêm, Ninh Hải và các xã: Ninh An, Ninh Thọ, Ninh Phước thuộc thị xã Ninh Hòa.


Theo quy hoạch, KKT Vân Phong là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Trong đó, kinh tế biển là nền tảng, có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác. Đây cũng là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp, có những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.


KKT Vân Phong được định hướng trở thành khu vực phát triển đô thị thông minh bền vững với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia. Không gian phát triển các khu chức năng trong KKT Vân Phong được điều chỉnh sắp xếp theo hướng các khu du lịch, dịch vụ du lịch… có diện tích đất khoảng 2.613ha. Ngoài ra, còn có các khu công nghiệp, gồm: Ninh Thủy rộng 208ha, Dốc Đá Trắng rộng 288ha, Ninh Diêm rộng 290ha; các khu chức năng phát triển công nghiệp sinh thái và công nghệ cao…


Về cảng biển, cảng hàng không và các trung tâm dịch vụ hậu cần, logistics có tổng diện tích khoảng 2.300ha. Trong đó, khu bến Bắc Vân Phong rộng khoảng 141ha, khu bến Nam Vân Phong rộng khoảng 661ha; khu chức năng phát triển công nghiệp, hậu cần, logistics tại Ninh Phước rộng khoảng 950ha; cảng hàng không tại Vạn Thắng rộng khoảng 550ha...

Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa


[Đăng ngày 11/03/2023]
Công bố chỉ số giá xây dựng năm 2022
1362.signed.pdf
[Đăng ngày 07/03/2023]
Kế hoạch triển khai tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa (1653 - 2023) và 48 năm Ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa (02/4/1975 – 02/4/2023), Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023
613.signed.pdf
[Đăng ngày 13/02/2023]
Kế hoạch Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hoà năm 2023
1024.pdf
[Đăng ngày 05/05/2022]
Danh mục dự án đầu tư năm 2022 và trung hạn giai đoạn 2021-2025
NQ 26.pdf
NQ 06.pdf
NQ 17.pdf
[Đăng ngày 30/07/2021]
NQ về việc thông qua danh mục dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025
NQ 17.pdf
[Đăng ngày 25/07/2021]
BC danh mục các công trình, dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2015
BC 243.signed.signed.pdf
[Đăng ngày 25/07/2021]

Đây là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại cuộc họp với các sở, ban, ngành, địa phương về thực hiện Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 và Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vân Phong, diễn ra chiều 21-7. Tham dự còn có ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Một góc TP. Nha Trang. Ảnh minh họa

Tại cuộc họp, sau khi nghe ý kiến của các sở, ban, ngành, địa phương, ông Nguyễn Tấn Tuân đề nghị Sở Xây dựng tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ lập Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 có kết nối dữ liệu chặt chẽ với các địa phương lân cận nhằm tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh và đảm bảo xây dựng Nha Trang là khu vực trung tâm về kinh tế - xã hội, chính trị của tỉnh. Sở Nội vụ tỉnh định hướng quy hoạch cán bộ của địa phương để từng bước nâng cấp một số xã của Nha Trang lên phường, góp phần đảm bảo tiến độ đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Đối với Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Quản lý KKT Vân Phong khẩn trương làm việc với đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đồ án này, trong đó, quan tâm định hướng quy hoạch phù hợp giữa phát triển hệ thống cảng biển và khu vực quy hoạch các ngành, nghề ưu tiên khác (năng lượng tái tạo, logistic, nuôi biển, kho bãi, phát triển rừng gắn với du lịch sinh thái…); làm việc với các bộ, ngành Trung ương về định hướng phát triển tại Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng (thuộc địa phận thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh) và Khu công nghiệp Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh). UBND thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh khẩn trương xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho người dân để kịp thời đáp ứng nguồn lao động cho các khu công nghiệp này…

Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn đề nghị Sở Xây dựng tỉnh khẩn trương họp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, phân loại những nội dung theo tiến độ công việc và những nội dung theo tiến độ thời gian để từ đó có kế hoạch xây dựng Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang phù hợp; mời đơn vị tư vấn đến làm việc trực tiếp với địa phương để kịp thời giải quyết những vướng mắc và thống nhất cao về những phần việc, nội dung thực hiện trong quá trình xây dựng Đồ án. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Đồ án theo hướng điều chỉnh những khu vực cần thiết (không điều chỉnh toàn bộ thành phố) đảm bảo đánh giá đúng hiện trạng của thành phố để từ đó có phương án xây dựng quy hoạch ngành hài hòa với việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh…

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh, tính đến ngày 19-7, Sở đã phối hợp với đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia - VIUP) hoàn thành khoảng 30% khối lượng công việc lập Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai lập Đồ án này. Dự kiến, đơn vị tư vấn sẽ hoàn thành thuyết minh tổng hợp gửi Sở Xây dựng tỉnh để tổ chức lấy ý kiến của các sở, ngành, địa phương (lần 1) vào ngày 23-7; hoàn thành chỉnh sửa hồ sơ trước ngày 31-10 để lấy ý kiến cộng đồng đến ngày 6-12; Sở Xây dựng tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Xây dựng thẩm định Đồ án vào ngày 30-12.

Đối với Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong, tính đến thời điểm hiện nay, đơn vị tư vấn (VIUP) đã thực hiện khoảng 90% khối lượng hồ sơ Đồ án; với tiến độ thực hiện trong thời gian qua, dự kiến, Ban Quản lý KKT Vân Phong sẽ thực hiện các nội dung còn lại theo lộ trình sau: Lấy ý kiến cộng đồng dân cư, chuyên gia trước ngày 30-7; hoàn chỉnh Đồ án theo góp ý của các sở, ngành, đơn vị trước ngày 10-8; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch trong tháng 8; chỉnh sửa, hoàn thiện Đồ án và trình tại Hội nghị Tỉnh ủy trong tháng 9-2021.
Nguồn Cổng điện tử Khánh Hòa

[Đăng ngày 24/06/2021]

Ảnh minh họa

Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 58/2021/TT-BQP hướng dẫn thực hiện quy định về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Thông tư này hướng dẫn xây dựng phương án sử dụng đất; phương án xử lý dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện; quản lý tài chính từ đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quân đội trong tổ chức thực hiện Nghị định 26/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 132/2020/QH14 thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

4 trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, thuê đất

Thông tư nêu rõ, 4 trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, thuê đất hằng năm:

1- Đơn vị tiếp tục thực hiện dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết theo phương án xử lý được Bộ Quốc phòng phê duyệt và không thuộc trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm.

2- Đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo phương án sử dụng đất được Bộ Quốc phòng phê duyệt.

3- Doanh nghiệp quân đội sử dụng đất quốc phòng kết hợp với lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo phương án xử lý hoặc phương án sử dụng đất được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt; doanh nghiệp quân đội thuộc danh mục cổ phần hóa, thoái vốn được tiếp tục sử dụng đất quốc phòng theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Nghị quyết số 132/2020/QH14.

4- Công ty có cổ phần, vốn góp của nhà nước do Bộ Quốc phòng cử Người đại diện, công ty cổ phần đang sử dụng đất quốc phòng theo hợp đồng thuê đất, hợp đồng sử dụng đất đã ký với Bộ Quốc phòng trước ngày có hiệu lực của Nghị quyết số 132/2020/QH14, tiếp tục nộp tiền sử dụng đất hằng năm theo hợp đồng đã ký và theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị quyết số 132/2020/QH14.

Phương án xử lý chấm dứt dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết

Thông tư cũng quy định, việc xây dựng phương án xử lý chấm dứt dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết thực hiện như sau:

Đơn vị, doanh nghiệp quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền, doanh nghiệp quân đội được giao quản lý căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 26/2021/NĐ-CP thực hiện rà soát, xác định các dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết phải chấm dứt thực hiện để xây dựng kế hoạch và phương án xử lý chấm dứt, báo cáo.

Đơn vị, doanh nghiệp quân đội trực tiếp thực hiện dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết chủ trì, phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan lập hồ sơ phương án xử lý chấm dứt dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết báo cáo đơn vị, doanh nghiệp quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng xem xét theo quy định.

Đơn vị, doanh nghiệp quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng rà soát, lập Tờ trình theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 26/2021/NĐ-CP cùng hồ sơ từng phương án xử lý chấm dứt gửi Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng để chủ trì tổ chức thẩm định.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 23-7-2021 và thay thế Thông tư 35/2009/TT-BQP; Thông tư 55/2009/TT-BQP; Thông tư 06/2012/TT-BQP.

Theo  khanhhoa.gov.vn

[Đăng ngày 25/05/2021]
BC Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021
BC 153.signed.signed.pdf
12


Đang online: 11

Số lượt truy cập: 1068852