Giới thiệu về tiềm năng    Thành tựu kinh tế - xã hội    Giới thiệu chung    Điều kiện tự nhiên    Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp   
[Đăng ngày: 28/07/2023]

Khu Kinh tế Vân Phong: Tập trung thu hút đầu tư

Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong đang tập trung thu hút đầu tư để trở thành cực tăng trưởng mới của tỉnh, 1 trong 3 vùng động lực phát triển kinh tế của địa phương.

Đẩy mạnh xúc tiến, hỗ trợ đầu tư

Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 55 của Quốc hội đã tạo cơ chế đột phá để huy động tối đa nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong việc phát triển KKT Vân Phong. Trong 6 tháng đầu năm, Ban Quản lý (BQL) KKT Vân Phong đã tập trung hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động đúng tiến độ đối với một số dự án lớn để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của KKT. Cụ thể, Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đã đạt tiến độ thực hiện 94,86% so với kế hoạch; giải ngân được 2,12 tỷ USD, đạt 82% so với tổng vốn đăng ký. Vào tháng 5, tổ máy số 1 đã vận hành thử và hiện nay tăng cường công suất 100% (660MW); còn tổ máy số 2 đã hoàn thành 90% công suất, dự kiến tháng 8 sẽ chính thức vận hành. Bên cạnh đó, BQL KKT hỗ trợ Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm thực hiện điều chỉnh tăng vốn, thực hiện thủ tục ký quỹ và xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết; điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án Khu du lịch Dốc Lết Phương Mai; tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp (KCN) Ninh Thủy để hoàn thành trước tháng 9-2023.

 

Nhà máy Đóng tàu Hyundai Việt Nam ở khu nam Vân Phong.

Trong công tác xúc tiến đầu tư, BQL KKT đã tổ chức tiếp đón và xúc tiến đầu tư tại chỗ nhiều đoàn khách đến nghiên cứu cơ hội đầu tư vào KKT Vân Phong trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, BQL đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu tổ chức thành công Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2023 (tham mưu UBND tỉnh thực hiện ký kết 11 biên bản ghi nhớ tại hội nghị); tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đi khảo sát thực địa tại khu vực nam Vân Phong trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Chương trình tổng kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; tổ chức Hội nghị xúc tiến hợp tác Ấn Độ với các tỉnh Nam Trung Bộ năm 2023…

Ưu tiên các dự án lớn

Để đẩy nhanh sự phát triển của KKT Vân Phong, mới đây, UBND tỉnh đã yêu cầu BQL KKT Vân Phong đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu để làm cơ sở cho công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào KKT; tiếp tục hỗ trợ Tập đoàn Sumitomo xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 để có thể đưa vào hoạt động đúng tiến độ. Trong thu hút đầu tư, sẽ thu hút có chọn lọc các dự án sử dụng tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng; sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Trong đó, ưu tiên lựa chọn những ngành, lĩnh vực dự án mà Việt Nam có lợi thế về các chính sách, biện pháp hàng rào thuế quan và phi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là các hiệp định thế hệ mới. 


Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai. Ảnh: Hoàng Đại Thạch

Thời gian tới, KKT Vân Phong sẽ tập trung thu hút đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo; lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực đại dương, hàng hải, công nghệ sinh học, dược liệu biển và sinh thái biển với quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên. Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính phải có quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỷ đồng trở lên; đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300ha hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên. Ngoài ra, mảng công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, chế biến dầu khí, điện tử, khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở KKT Vân Phong cũng chỉ thu hút các dự án có quy mô vốn đầu tư trên 6.000 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Trọng Hoàng - Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết, nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 55 của Quốc hội, thời gian tới, BQL KKT Vân Phong sẽ đẩy nhanh công tác quy hoạch phân khu xây dựng trong KKT Vân Phong và các KCN. Mục tiêu năm 2023, KKT Vân Phong thu hút đầu tư mới với tổng vốn đăng ký khoảng 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm tra, đôn đốc tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Ninh Thủy; hỗ trợ, đôn đốc tiến độ triển khai xây dựng các dự án lớn, như: Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm, Khu du lịch Dốc Lết Phương Mai. Ngoài ra, BQL sẽ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và công bố danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư vào KKT Vân Phong sau khi các quy hoạch phân khu chức năng được phê duyệt. Đồng thời, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 55 (đặc biệt là cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược) nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển của KKT Vân Phong.

Ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Vân Phong sẽ phát triển theo mô hình KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước. Trong đó, kinh tế biển là nền tảng với cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics; đô thị, dịch vụ du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác. Đây cũng là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi, giải trí tổng hợp cao cấp, với những sản phẩm dịch vụ du lịch độc đáo, khác biệt và hiện đại. Đến năm 2030, diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 14.900ha và dân số tại KKT Vân Phong khoảng 350.000 - 380.000 người. Không gian phát triển theo hai hướng bắc - nam. Trong đó, hướng bắc xây dựng đô thị du lịch cao cấp quốc tế với các loại hình du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, casino; phía nam sẽ phát triển đô thị công nghiệp. Phát triển Vân Phong chính là sự vận dụng và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 55 của Quốc hội, góp phần thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, hướng tới mục tiêu phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa



Đang online: 7

Số lượt truy cập: 999553