Giới thiệu về tiềm năng    Thành tựu kinh tế - xã hội    Giới thiệu chung    Điều kiện tự nhiên    Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp   
[Đăng ngày: 06/08/2018]
THÀNH TỰU KINH TẾ - XÃ HỘI



Kinh tế
Trước năm 1975, với vị trí là một xã ven biển nên nhân dân Đại Lãnh chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản chiếm khoảng 65% dân số, còn lại làm nông nghiệp và các ngành nghề khác. Điều kiện đánh bắt hải sản còn thô sơ, chưa có phương tiện đánh bắt công suất lớn, tập trung chủ yếu là nghề mành chong, lưới cảng (phương tiện đánh bắt cố định, sản lượng khai thác cá phụ thuộc vào sự phân bố tự nhiên của đàn cá). Nghề mành chong, lưới cảng chịu tác động nhiều của các yếu tố tự nhiên, năm nào thời tiết thuận lợi thì mới được mùa, có năm xảy ra nhiều thiên tai, bão lụt đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, trồng, cấy chủ yếu vào mùa mưa, nhiều năm bị thiên tai, lũ lụt, hạn hán dẫn đến mất mùa, nợ nần, có năm thiếu ăn từ 5 đến 6 tháng, cuộc sống người dân Đại Lãnh vô cùng khó khăn, vất vả. Ngoài trồng lúa, nhân dân còn trồng thêm các loại cây như bắp, mì, đậu phộng, khoai lang... Trình độ dân trí còn hạn chế. Các công trình phục vụ dân sinh hầu như không có gì. Sau ngày đất nước thống nhất, lĩnh vực kinh tế - xã hội của Đại Lãnh không ngừng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, trình độ dân trí từng bước được nâng lên; nhà cửa, đường sá ngày càng khang trang hơn; diện mạo kinh tế- xã hội của Đại Lãnh ngày càng thay đổi.
Hiện nay, ngành nghề của xã Đại Lãnh chủ yếu là khai thác, đánh bắt và chế biến thủy hải sản (chủ yếu cá, mực xuất khẩu) ngoài ra còn các nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại và du lịch đang được phát triển. Lĩnh vực kinh tế Đại Lãnh ngày càng phát triển qua từng năm, cụ thể năm 1994, trên địa bàn Đại Lãnh tỷ lệ đánh bắt hải sản chiếm 65%; thương nghiệp dịch vụ 20%; sản xuất nông nghiệp và các nghề phụ khác 15% thì đến năm 2010 giá trị sản xuất của ngành ngư nghiệp tăng lên chiếm 81% trong tổng giá trị sản xuất của xã, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 3,2% và thương mại dịch vụ chiếm 15,9%. Trong thời gian qua, số hộ gia đình nuôi, tôm thẻ chân trắng tăng nhanh với quy mô lớn chủ yếu nuôi tại Vạn Thạnh, Vạn Thọ, Phú Yên, bên cạnh đó lĩnh vực thương mại dịch vụ tăng khá góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của Đại Lãnh.
Đại Lãnh có hệ thống giao thông nông thôn thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân cũng như sự phát triển của địa phương. Các trục đường chính liên thôn trên địa bàn xã được bê tông hóa với chiều dài 12 km, ngoài ra còn có tuyến đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1A dài 6 km đi qua địa bàn xã thuận lợi trong việc đi lại, giao lưu mua bán của nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hệ thống lưới điện để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân được ngành điện đầu tư, có 100% hộ dân sử dụng điện trực tiếp từ lưới điện quốc gia. Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự gia tăng dân số, tình hình xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi công cộng, cơ sở hạ tầng trên địa bàn Đại Lãnh tăng khá nhanh. 
Văn hóa -  xã hội 
Cùng với việc lập làng, nhân dân Đại Lãnh xây dựng các lăng, miếu để tưởng nhớ các bậc tiền hiền có công khai phá xây dựng vùng đất mới... Hiện nay, trên địa bàn Đại Lãnh có 01 chùa, 01 lăng, 01 miếu Âm hồn, 01 dinh Bà.
Về đời sống tâm linh, phần lớn cư dân sinh sống trên địa bàn Đại Lãnh hiện nay có đời sống tâm linh là thờ cúng tổ tiên, ông bà. Bên cạnh tín ngưỡng dân gian cũng có một bộ phận người dân trong xã theo Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Tin Lành. Năm 2010, trên địa bàn Đại Lãnh, Phật giáo có khoảng 500 phật tử, Thiên Chúa giáo có 81 hộ, Tin Lành có 28 hộ. Các tín đồ tôn giáo luôn sống “tốt đời, đẹp đạo”. Hầu hết đồng bào có đạo đều chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 
Nhân dân Đại Lãnh có nhiều nét văn hóa dân gian luôn được giữ gìn và lưu truyền. Theo truyền thống hàng năm vào Rằm tháng ba (âm lịch), ở địa phương có lễ cầu ngư, cầu an, cúng miễu (miễu bà Thiên Y), rước sắc, nêu công đức Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ, đồng thời tổ chức các trò chơi dân gian hoặc cúng cầu ngư. Lễ hội cầu ngư bắt nguồn từ tục thờ Ông Nam Hải - tập tục lâu đời của cư dân vùng biển từ Bắc miền Trung trở vào Nam, trong đó tiêu biểu là Nam Trung bộ mà điển hình là Khánh Hòa. Hiện nay, lễ hội cầu ngư ở Khánh Hòa nói chung, lễ hội cầu ngư ở Đại Lãnh nói riêng còn bảo lưu các nghi thức truyền thống với các nghi lễ: Lễ rước sắc, lễ Nghinh Ông, hò bá trạo, lễ Thỉnh sanh, lễ Tế chánh, thứ lễ và tôn vương, lễ Tống na. Trong lễ cầu ngư có tổ chức nhiều hình thức nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian. Lễ hội cầu ngư ở Đại Lãnh là một ngày hội của các làng biển, có tác động sâu rộng đến đời sống cư dân miền biển Đại Lãnh.
Lễ hội cầu ngư được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 12 năm 2012. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày 15/3 (âm lịch), thu hút hàng trăm lượt người tham dự. Việc giữ gìn và  phát huy giá trị lễ hội cầu ngư sẽ góp phần bảo lưu văn hóa truyền thống, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, minh chứng cho quá trình chinh phục và làm chủ biển đảo của cộng đồng ngư dân Đại Lãnh nói riêng, Khánh Hòa nói chung.




Đang online: 3

Số lượt truy cập: 998671