Vạn Ninh: Thực hiện hiệu quả Đề án 06
Những năm qua, huyện Vạn Ninh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Huyện đang tập trung khắc phục khó khăn, đưa ra nhiều giải pháp trong thực hiện Đề án 06 nhằm đem lại nhiều tiện ích cho tổ chức và người dân.
Nhiều tiện ích
Đưa vợ đến Bệnh viện Đa khoa huyện Vạn Ninh khám bệnh, ông Huỳnh Văn Thắng (thị trấn Vạn Giã) cầm căn cước công dân tới quầy làm thủ tục bảo hiểm y tế. Chỉ sau vài giây đưa căn cước vào đầu đọc, mọi thông tin của bệnh nhân được hiển thị chính xác; sau đó, ông Thắng đưa vợ đi làm xét nghiệm, chụp chiếu hình ảnh. Ông Thắng chia sẻ: “Từ ngày đồng bộ thẻ bảo hiểm y tế với căn cước công dân, việc tôi đưa vợ đi khám bệnh định kỳ tiện lợi hơn rất nhiều. Chỉ cần cầm theo căn cước tới bệnh viện, nhân viên y tế quẹt thẻ là vào làm thủ tục khám được ngay, không phải mang theo đủ loại giấy tờ như trước đây. Đặc biệt, chỉ cần sử dụng điện thoại có app của ngân hàng, quét mã QR là thanh toán tiền, không phải đem theo tiền mặt. Có thể nói, chuyển đổi số giúp đem lại nhiều tiện ích cho người dân trong cuộc sống”.
Bệnh viện Đa khoa huyện Vạn Ninh quét căn cước công dân trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân.
Ông Lương Đăng Trường - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh cho biết, cùng với nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh, đơn vị còn đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm đem lại tiện ích cho người dân. Trung tâm đã trang bị 21 đầu đọc căn cước công dân tại các trạm y tế xã, thị trấn, phòng khám khu vực và các khoa khám bệnh viện. Đồng thời, tích cực tuyên truyền cho người dân thực hiện đồng bộ thông tin thẻ bảo hiểm y tế với căn cước công dân. Nhờ đó, từ năm 2022 đến nay, đã có hơn 213.500/381.200 lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sử dụng căn cước công dân. Cùng với đó, đơn vị còn tăng cường ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như: Chuyển khoản, quét mã QR, quẹt thẻ qua POS tại quầy thu phí. Việc thanh toán không dùng tiền mặt vừa tiện lợi, nhanh chóng, vừa đảm bảo an toàn, tránh xảy ra việc đem theo tiền mặt dễ bị mất cắp. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa Đề án 06 giúp mang lại nhiều lợi ích cho người dân.
Theo báo cáo của UBND huyện Vạn Ninh, qua 2 năm triển khai Đề án 06, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, công tác chỉ đạo được triển khai quyết liệt, nghiêm túc. Huyện đã thành lập 14 tổ công tác triển khai Đề án 06 ở cấp huyện và xã; thành lập tổ công nghệ số cộng đồng ở 100% thôn, tổ dân phố; hoạt động tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp. Từ tháng 12-2022 đến nay, toàn huyện có 51.484 hồ sơ lĩnh vực dịch vụ hành chính công được giải quyết trực tuyến, đạt 94,8%; 25 thủ tục hành chính thiết yếu và 28 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu được huyện thực hiện nghiêm túc... Cùng với đó, toàn huyện đã cấp 122.835 thẻ căn cước công dân, đạt 96,9%; thực hiện dữ liệu hóa vào hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp 158.226 trường hợp; cập nhật 100% hội viên các hội, đoàn thể lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Tiếp tục thực hiện các giải pháp
Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn huyện vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Còn nhiều người dân chưa thay đổi thói quen làm việc trên môi trường điện tử, hạn chế trong tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin; đường truyền chưa ổn định nên việc truy cập có lúc bị gián đoạn ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục cho công dân; bộ phận thực hiện dữ liệu về dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” phải đảm nhận nhiều công việc nên tạo áp lực, quá tải dẫn đến hiệu quả chưa cao…
Theo lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh, thời gian tới, cùng với việc khắc phục những khó khăn, hạn chế, toàn huyện tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06. Trong đó, tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, linh hoạt; chú trọng hỗ trợ, hướng dẫn người dân tạo lập tài khoản và sử dụng dịch vụ công. Đồng thời, bố trí các điểm truy cập Internet công cộng tốc độ cao, tạo điều kiện cho công dân truy cập thuận tiện; phát huy vai trò tổ công nghệ số cộng đồng và đoàn thanh niên trong hướng dẫn, hỗ trợ công dân nâng cao kỹ năng số; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, trình độ, kỹ năng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tham mưu, triển khai Đề án 06; tập trung số hóa hồ sơ, làm sạch dữ liệu của các ngành, đảm bảo thông tin luôn “đúng, đủ, sạch, sống”, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm, tính gương mẫu đi đầu của người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong chỉ đạo, triển khai cụ thể hóa các nhiệm vụ của Đề án 06… Tuy nhiên, để việc triển khai Đề án 06 của huyện đạt kết quả cao hơn nữa, UBND tỉnh cần kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm khắc phục một số lỗi, thiếu sót trong quá trình vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cải thiện đường truyền đảm bảo không bị gián đoạn; rà soát, cải tiến quy trình, thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhất là dịch vụ công thiết yếu…
Theo baokhanhhoa.vn.