Khí hậu
Xã Đại Lãnh mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu Đại Dương, nhiệt độ trung bình khoảng 26,50C. Đại Lãnh nằm trong tiểu vùng khí hậu II, vùng đồng bằng ven biển giáp Vạn Thọ nên còn chịu ảnh hưởng khí hậu Đông Bắc, thuộc tiểu khí hậu khu vực Tu Bông (gió), nên chịu ảnh hưởng gió mùa rất mạnh, vào những tháng cuối hè thì có gió Lào khô nóng với thời tiết không được thuận lợi. Trong thời gian này, thời tiết thường diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân địa phương.
Trong năm có hai mùa: mùa khô bắt đầu từ tháng 01 đến tháng 7, mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12, lượng mưa trung bình hàng năm 1.500mm. Độ ẩm không khí bình quân từ 70% - 80%. Tuy nhiên, vào mùa khô kéo dài đã gây ra tình trạng hạn hán ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Địa hình
Địa hình núi cao sườn dốc chiếm 92% tổng diện tích tự nhiên của xã, địa hình bằng thấp ven biển chiếm 8% (đây là nơi cư trú, sản xuất của nhân dân địa phương). Phía Bắc có 12 km đèo Cả quanh co, phía Nam là đèo Cổ Mã (hình giống cổ ngựa). Xã Đại Lãnh có hình lòng chảo hướng ra biển Đông (thấp dần từ Tây sang Đông) bao quanh 3 phía Bắc, Tây, Nam là dãy Trường Sơn (từ đèo Cả đến đèo Cổ Mã), giữa là bãi bằng ven biển. Phía Tây là phần đất gò đồi cao và rừng núi, dân cư chủ yếu tập trung ở đây, với phần đất này chủ yếu phát triển rừng, hoa màu và một phần ruộng lúa. Phía Đông là địa hình bằng, thấp, tập trung đông dân cư sống bằng nghề đánh bắt hải sản và buôn bán dọc trục đường Quốc lộ 1A.