Cam Ranh: Khẩn trương xây dựng đô thị thông minh
Sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định phê duyệt Đề án “Đô thị thông minh TP. Cam Ranh”, UBND TP. Cam Ranh đã ban hành kế hoạch triển khai đề án này với mục tiêu tiến tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số nhằm phục vụ cho sự phát triển toàn diện, bứt phá của thành phố.
Triển khai 11 nhiệm vụ trọng tâm
Sau 12 năm được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh, đô thị Cam Ranh đã có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, để giúp Cam Ranh tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá theo định hướng tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc thành phố xây dựng đô thị thông minh là hết sức cần thiết.
Một góc đô thị Cam Ranh.
Ngày 7-2, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Đô thị thông minh TP. Cam Ranh”. Ngay sau đó, UBND TP. Cam Ranh đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án này với 11 nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra. Cụ thể, thành phố sẽ triển khai xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC), trong đó đầu tư hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý, chỉ đạo điều hành; phần mềm nền tảng đô thị thông minh; tích hợp dữ liệu từ các hệ thống giám sát đô thị, các cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành của tỉnh... Cùng với đó, triển khai xây dựng nền tảng hạ tầng phục vụ đô thị thông minh thành phố, trong đó sẽ thiết kế, xây dựng các phòng chức năng theo tiêu chuẩn Trung tâm Dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông đảm bảo nhu cầu sử dụng, phục vụ chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.
Ngoài ra, thành phố sẽ triển khai các nhiệm vụ trọng tâm khác, gồm: Xây dựng hệ thống camera giám sát; triển khai màn hình led phục vụ công tác tuyên truyền; triển khai đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; phòng họp không giấy tờ; xây dựng hệ thống quản lý quy hoạch đô thị; hệ thống thông tin du lịch thông minh; tuyên truyền chuyển đổi số; tổ chức đánh giá các nguy cơ, sự cố về an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin UBND thành phố; đảm bảo nguồn nhân lực tham mưu nhiệm vụ chuyển đổi số và quản lý Trung tâm Điều hành đô thị thông minh.
Nâng cao hiệu quả phục vụ
Trong quá trình phát triển đô thị thông minh, Cam Ranh xác định 4 đối tượng phục vụ chính. Thứ nhất, đô thị thông minh giúp cung cấp các tiện ích phục vụ người dân, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân. Thứ hai, đô thị thông minh cung cấp thông tin minh bạch, giúp doanh nghiệp có quyết định chính xác. Thứ ba, đô thị thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển cho cơ quan quản lý nhà nước một cách chính xác, gia tăng hiệu quả điều hành thông qua chính quyền điện tử. Thứ tư, đô thị thông minh tạo ra kênh phản hồi thông tin, giúp các tổ chức xã hội tham gia hiệu quả vào quá trình cung cấp thông tin, dịch vụ cho đô thị thông minh.
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND TP. Cam Ranh.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện kế hoạch này đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Thành phố cũng đã giao Văn phòng HĐND và UBND thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, triển khai thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm điều hành đô thị thông minh và Xây dựng nền tảng hạ tầng phục vụ đô thị thông minh theo lộ trình của đề án. Đối với từng nhiệm vụ cụ thể, thành phố đã giao từng đơn vị thực hiện nghiêm túc, đúng quy định và đáp ứng tiến độ, chất lượng. “Để xây dựng đô thị thông minh, thời gian tới, thành phố sẽ kiện toàn tổ chức, nhân sự và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đảm bảo hoạt động liên tục và an toàn thông tin trong các hệ thống hạ tầng số của thành phố. Đồng thời, tổ chức đào tạo, phổ cập về thành phố thông minh, chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn thành phố nhằm thống nhất trong quyết tâm và hành động vì Cam Ranh phát triển bền vững”, ông Thạch cho hay.
Đề án “Đô thị thông minh TP. Cam Ranh” có tổng kinh phí giai đoạn 2023 - 2030 là 116,3 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh gần 13,2 tỷ đồng; ngân sách thành phố gần 103,2 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước được thực hiện trên môi trường số; kinh tế số chiếm tối thiểu 10% GRDP của thành phố; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố hoàn thành chuyển dịch lên nền tảng số. Đến năm 2030, hoàn thành cơ bản chuyển đối số và xây dựng đô thị thông minh theo kế hoạch của tỉnh; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên cơ sở khai thác kho dữ liệu trực tuyến dùng chung của tỉnh; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước được thực hiện trên môi trường số; kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP của thành phố; 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố hoàn thành chuyển dịch lên nền tảng số.
Theo baokhanhhoa.vn