Nha Trang: Tích cực chuyển đổi số
Từ đầu năm đến nay, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở nên công tác chuyển đổi số ở TP. Nha Trang đạt kết quả tích cực.
Phát huy hiệu quả
Gần 7 giờ, ông Nguyễn Sỹ Nguyên - cán bộ Đài Truyền thanh xã Vĩnh Hiệp mở laptop, chọn chương trình phát thanh của xã rồi bấm phát sóng. Ông Nguyên cho biết, khi còn sử dụng truyền thanh không dây hoạt động trên tần số 98MHz, sau khi thu âm, ông phải đến cơ quan trước giờ phát, mở bộ hệ thống phát thanh, chuyển đổi sang tần số của xã, cắm dây nối máy tính với bộ hệ thống và ngồi trực đến hết chương trình; sau đó chuyển tiếp về chương trình phát thanh của thành phố. Chương trình thường bị nhiễu sóng, âm thanh không ổn định. Từ tháng 3-2023, khi xã được thành phố lắp đặt hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, các hạn chế này không còn. "Công nghệ mới giúp tôi kiểm soát chất lượng tín hiệu tới từng cụm loa, xác định được cụm loa bị hỏng ngay trên laptop; chuyển đổi bản tin giấy sang giọng đọc; số hóa việc sản xuất, lưu trữ, quản lý chương trình và lịch phát sóng tự động… Âm thanh cũng tốt, không bị nhiễu sóng", ông Nguyên nhận xét.
Lắp đặt hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tại đảo Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên. Ảnh: Mạnh Hoàng
Ngoài xã Vĩnh Hiệp, 10 xã, phường khác cũng được thành phố lắp đặt hệ thống truyền thanh mới, góp phần thực hiện nhiệm vụ về hạ tầng số. Thành phố còn chỉ đạo tập trung số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức, viên chức; số hóa sổ hộ tịch; tạo lập dữ liệu quản lý cơ sở kinh doanh; hoàn thành dự án nâng cấp hệ thống máy chủ, ứng phó sự cố đảm bảo an toàn thông tin mạng.
Cùng với đó, các nhiệm vụ về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số được thành phố chú trọng. 11 tháng năm 2023, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của UBND thành phố đạt 70,4% (chỉ tiêu giao 45%); tỷ lệ phát sinh hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 29,03%, với tổng số tiền khoảng 230 triệu đồng. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành E-Office được sử dụng ở các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, xã, phường; 23 cơ quan khối đảng, mặt trận, đoàn thể và ngành dọc; 104 trường mầm non, tiểu học, THCS. Tỷ lệ gửi văn bản điện tử đạt hơn 98%. Hơn 4.500 lượt người dân, doanh nghiệp được hướng dẫn cài đặt app Hệ thống phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về kinh tế - xã hội tỉnh. Hơn 80% dân số trưởng thành đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 100% trường học, cơ sở y tế và các chợ hạng 3 đều triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Thành phố có 27 tổ hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến tại các xã, phường; 5 điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến theo Đề án Khu dân cư điện tử của tỉnh; nhiều tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập tại các thôn, tổ dân phố. Toàn thành phố đã bàn giao gần 54.300 địa chỉ số cho các chủ địa chỉ...
Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ
Tuy nhiên, theo đánh giá của thành phố, công tác chuyển đổi số vẫn còn gặp một số khó khăn. Các đơn vị mới ở bước ứng dụng công nghệ thông tin là chính; còn khá nhiều phần mềm chuyên ngành yêu cầu cập nhật cơ sở dữ liệu, gây áp lực cho công chức, dẫn tới chậm tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, làm giảm sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Với hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, ông Nguyễn Sỹ Nguyên có thể dễ dàng kiểm tra hoạt động của các cụm loa qua laptop.
Theo ông Võ Công Hiếu - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố, thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Xây dựng thí điểm mô hình đô thị thông minh sau khi được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục rà soát, nâng cấp trang thiết bị công nghệ thông tin; triển khai hiệu quả các hệ thống thông tin dùng chung; chuyển đổi đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông cho 16 xã, phường còn lại; triển khai quy trình số hóa, ký số hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ; thu thập, cập nhật tài khoản, tiến tới chi trả không dùng tiền mặt đối với các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng bảo hiểm xã hội điện tử VssID; kích hoạt, sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến; tuyên truyền các phương thức khai thác, sử dụng thông tin công dân trên thẻ căn cước gắn chip hoặc trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. UBND cấp xã tiếp tục thông báo mã địa chỉ số đến người dân; phát huy vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng; tích cực triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 ở các thôn, tổ dân phố để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống; vận động các hộ kinh doanh tạo, niêm yết mã QR để thanh toán; tăng cường niêm yết mã QR giới thiệu về Nha Trang và thông tin đường dây nóng hỗ trợ du khách...
Theo baokhanhhoa.vn