Việc áp dụng tài khoản định danh điện tử mức
độ 2 và xác thực thông tin cá nhân điện tử đã được triển khai từ nhiều tháng
qua. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, người dân vẫn còn gặp những bất tiện,
chưa phù hợp với tinh thần chuyển đổi số.
Những phiền hà
Cách đây khoảng 2 tuần, chị Bùi Thị Linh (tổ 3 Vĩnh Điềm, phường Ngọc Hiệp, TP.
Nha Trang) được giáo viên ở trường mầm non nơi con chị theo học hướng dẫn đến
các điểm đăng ký tài khoản mobile money của một công ty viễn thông để chuyển
các khoản tiền học cho nhà trường. Thực tế, công ty viễn thông này đã có ứng
dụng (app) mobile money để khách hàng cài đặt trên điện thoại thông minh. Tuy
nhiên, chị Linh cũng như hầu hết các phụ huynh và giáo viên trong trường đều
không thể tự mình đăng ký tài khoản trên app, mà bắt buộc phải đến các điểm
đăng ký để được mở tài khoản. Khi đến điểm đăng ký, chị Linh quên không mang
căn cước công dân (CCCD) nên nhân viên công ty viễn thông từ chối đăng ký với
lý do không có CCCD thì sẽ không thực hiện được các thao tác quét mã, chụp ảnh…
“Tôi đã được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2, nên theo quy định của Chính
phủ thì sử dụng tương đương như CCCD trong các giao dịch có yêu cầu xuất trình
CCCD. Dù đã cố gắng giải thích với nhân viên công ty viễn thông và trình cả
hình chụp CCCD, tài khoản định danh trên app VNeID, nhưng tôi vẫn được yêu cầu
về lấy CCCD để đăng ký tài khoản mobile money. Tôi thấy việc này không khác gì
so với dùng chứng minh nhân dân trước đây”, chị Linh nói.
Trong nhiều trường hợp, giấy CT07 được yêu cầu sử dụng để thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Mới đây, khi anh Lê Hữu Sơn (đường 23-10, TP. Nha Trang) làm hồ sơ thực hiện
thủ tục vay vốn ở một ngân hàng, nhân viên ngân hàng đã yêu cầu anh về địa
phương lấy giấy xác nhận thông tin cư trú (CT07) để thay thế cho sổ hộ khẩu đã
được bãi bỏ từ ngày 1-1. Đến công an phường nơi cư trú, anh Sơn được hẹn sẽ cấp
giấy CT07 sau 3 ngày làm việc. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ vay vốn của
anh. Anh Sơn thắc mắc: “Tôi đã được cấp CCCD gắn chíp điện tử, trong đó tích
hợp đầy đủ thông tin cá nhân, tại sao vẫn cần giấy CT07? Việc bỏ sổ hộ khẩu rồi
buộc phải có một loại giấy khác thay thế liệu có hợp lý?”.
Còn khó khăn, vướng mắc
Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực
điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm
2030 của Chính phủ (Đề án 06), tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy
nhiên, theo báo cáo của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh, vẫn còn một
số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện đề án này. Trước hết, địa
phương vẫn còn bị động, lúng túng, phụ thuộc vào hướng dẫn của Trung ương. Công
tác tuyên truyền tuy đã được quan tâm thực hiện nhưng chưa thực sự phát huy
hiệu quả, chưa thay đổi được nhận thức chuyển đổi và nhu cầu đăng ký thực hiện
dịch vụ công trực tuyến; quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến của một số
lĩnh vực vẫn còn nhiều rắc rối; nhân lực thực hiện Đề án 06 của tỉnh thiếu về
số lượng và còn hạn chế về khả năng tiếp cận các công nghệ mới…
Theo ông Phạm Duy Lộc - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, để từng bước
khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, nâng cao
nhận thức, năng lực, trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực
hiện Đề án 06; tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện đề án bảo đảm tiến
độ, chất lượng các nhiệm vụ được Chính phủ, UBND tỉnh giao. Cùng với đó, tỉnh
sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền đồng bộ để nâng cao nhận thức cho các
cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, người dân về Đề án 06; khuyến khích
người dân, doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm số, dịch vụ số, nhất là tạo lập
danh tính điện tử, cài đặt, sử dụng, thực hiện các dịch vụ công; duy trì công
tác thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử, hồ sơ CCCD gắn chíp điện tử
cho công dân, phấn đấu đạt 100% công dân cư trú trên địa bàn đủ điều kiện đều
được cấp CCCD theo quy định.
Nguồn: Báo điện tử Khánh
Hòa