Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa: Hướng tới kho bạc số
Trong suốt 34 năm kể từ khi tái lập (ngày 1-4-1990), Kho bạc Nhà nước (KBNN) Khánh Hòa luôn khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính công; phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nâng cao chất lượng phục vụ
Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Quân (thứ 7, hàng đầu từ phải qua) cùng đoàn công tác của Kho bạc Nhà nước chụp hình lưu niệm với tập thể lãnh đạo, công chức Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa.
Với mục tiêu “lấy khách hàng là trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ công của KBNN”, KBNN Khánh Hòa đã tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình một cửa, một giao dịch viên. Theo đó, trong lĩnh vực KBNN, khách hàng chỉ làm việc với một đầu mối thuộc một lĩnh vực chi cụ thể. Hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực KBNN được thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết 100% trên Chương trình Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Đơn vị đã mở rộng công tác phối hợp thu và ủy nhiệm các khoản thu ngân sách nhà nước (NSNN) về thuế, phí, lệ phí, xử phạt vi phạm hành chính và các khoản thu khác với 13 ngân hàng thương mại; triển khai thu phạt vi phạm giao thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối thông suốt giữa người nộp thuế - ngân hàng - kho bạc - cơ quan thuế - cơ quan hải quan và điện tử hóa công tác thu NSNN. Theo đó, người nộp thuế có thể thực hiện nghĩa vụ tài chính tại bất kỳ thời gian, địa điểm nào; thời gian thực hiện giao dịch thu NSNN được rút ngắn còn dưới 5 phút/giao dịch. Đơn vị cũng đẩy mạnh ứng dụng các phương thức thanh toán điện tử; qua đó tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN đã giảm mạnh, góp phần giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt trong khu vực công và tiết kiệm chi phí xã hội.
Khai thác ưu thế về công nghệ, KBNN Khánh Hòa đã vận hành thông suốt Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), giúp gắn kết các khâu của quy trình quản lý NSNN, đặc biệt là giữa khâu thực hiện với các khâu khác của quy trình quản lý; duy trì cung cấp 100% TTHC qua DVCTT mức độ 4 với 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT; hoạt động giao dịch với KBNN được thực hiện 24/7. Việc liên thông các ứng dụng nghiệp vụ (DVCTT - TABMIS - Thanh toán song phương điện tử) đã nâng cao năng suất, chất lượng lao động của đội ngũ công chức KBNN hơn 30%; chuẩn hóa dữ liệu của đơn vị sử dụng ngân sách khi lập và kiểm soát hồ sơ, chứng từ trên DVCTT, gia tăng tiện ích, thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch với KBNN. Việc hiện đại hóa công tác thu, chi tạo nhiều thuận lợi cho người nộp thuế và đơn vị sử dụng ngân sách, tiết kiệm chi phí tổ chức thu, chi NSNN. Việc kiểm soát thanh toán thực hiện cơ chế linh hoạt “Thanh toán trước, kiểm soát sau” gắn với phân cấp, giao trách nhiệm giải trình cho đơn vị sử dụng ngân sách giúp cho việc thanh toán vốn hầu như được thực hiện đồng thời với gửi hồ sơ, thủ tục thanh toán đến KBNN.
Từ năm 2019, KBNN Khánh Hòa triển khai tổng hợp và lập Báo cáo tài chính nhà nước, qua đó cung cấp thêm một kênh thông tin quan trọng giúp cho lãnh đạo tỉnh có bức tranh tổng thể về tình hình tài chính nhà nước địa phương, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành và tăng cường tính công khai, minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình theo thông lệ quốc tế.
Trong năm 2023, KBNN Khánh Hòa đã triển khai thanh toán tự động chi điện, nước, dịch vụ viễn thông góp phần gia tăng tiện ích trong thanh toán. Đây là khởi đầu quan trọng cho các hình thức thanh toán chủ động, tự động trong tương lai, góp phần thay đổi căn bản hoạt động của KBNN, chuyển dần từ mô hình quản lý sang mô hình phục vụ…
Trong tác nghiệp, KBNN Khánh Hòa luôn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình TTHC của đội ngũ công chức; kịp thời nắm bắt thông tin qua nhiều kênh, gồm: Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc lĩnh vực KBNN, hộp thư góp ý; phối hợp triển khai khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của KBNN; thực hiện nghiêm quy chế về kiểm soát, phòng ngừa rủi ro trong công tác kiểm soát chi NSNN, kế toán và thanh toán tại hệ thống KBNN và quy trình giám sát từ xa hoạt động nghiệp vụ KBNN. Nhờ đó, những thông tin phản ánh của khách hàng được KBNN Khánh Hòa xử lý kịp thời; những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở được giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét.
Quan tâm bồi dưỡng nguồn nhân lực
Trong suốt 34 năm qua, đội ngũ công chức KBNN Khánh Hòa ngày càng được củng cố, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, có 99% công chức có trình độ đại học và trên đại học. Có được đội ngũ công chức đạt chất lượng là do KBNN Khánh Hòa luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức. Với mục tiêu phát triển con người toàn diện, KBNN Khánh Hòa đã triển khai tốt chế độ, chính sách và đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng. Qua đó, kịp thời động viên, khích lệ công chức, người lao động yên tâm công tác.
KBNN Khánh Hòa luôn quan tâm xây dựng và thực hành văn minh văn hóa nghề nhằm xây dựng hình ảnh công chức KBNN chuyên nghiệp, ấn tượng, hướng đến phục vụ khách hàng. Do đó, đơn vị quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề, giám sát hành vi giao tiếp, ứng xử của công chức, người lao động với khách hàng. Chính vì vậy, đội ngũ công chức, người lao động luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, liêm khiết, trung thực trong nội bộ và phục vụ tận tình chu đáo khách hàng. Chỉ số hài lòng do Sở Nội vụ khảo sát năm 2023 đối với KBNN Khánh Hòa tăng 3,74% so với năm 2022.
Kết quả đạt được trong 34 năm qua tạo nền tảng vững chắc cho KBNN Khánh Hòa bước tiếp lộ trình đến năm 2030, góp phần cùng hệ thống KBNN hình thành kho bạc số và trở thành kho bạc “3 không” (không tiền mặt, không giấy tờ, không giao dịch tại quầy) và “3 có” (an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng và sử dụng tối ưu các nguồn lực).
Theo baokhanhhoa.vn