Trường Đại học Khánh Hòa: Hướng tới xây dựng đại học số
Trường Đại học Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2024, định hướng đến năm 2025, trong đó xác định đổi mới căn bản, toàn diện mọi mặt trên môi trường số, hướng tới xây dựng đại học số trên cơ sở tầm nhìn đưa nhà trường trở thành trường đại học “thông minh và xanh” vào năm 2035.
Giờ học của sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa
Tiến sĩ Phan Phiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, nhà trường đã tăng cường xử lý công việc, tác nghiệp, giải quyết các nhiệm vụ trên môi trường điện tử; triển khai nhiều chức năng trên phần mềm quản lý đào tạo; trang bị các thiết bị chuyên dụng hiện đại cho thư viện; triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong việc đóng học phí thông qua website… Tuy nhiên, kế hoạch, lộ trình và mục tiêu chuyển đổi số chưa được cụ thể hóa; các chức năng quản lý đào tạo trên phần mềm chưa được khai thác hết; hệ thống hạ tầng phục vụ công tác chuyển đổi số đã cũ, lạc hậu, cần phải đầu tư mới. Do đó, trong kế hoạch chuyển đổi số năm 2024, định hướng đến năm 2025, nhà trường sẽ đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ số; xây dựng môi trường làm việc đa dạng, linh hoạt dựa trên nền tảng công nghệ số; đến năm 2025 sẽ thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn trường.
Theo đó, nhà trường sẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực, gồm: Đào tạo, khảo thí, khoa học công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế, học liệu số, quản lý nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính, bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đáp ứng bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Cụ thể, trường sẽ trang bị cơ sở vật chất, nâng cấp phần mềm quản lý đào tạo theo hướng hiện đại, đồng bộ các chức năng về quản lý chương trình đào tạo, kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa; quản lý điểm, xây dựng và quản lý thời khóa biểu; quản lý chuẩn đầu ra, xét tốt nghiệp cho sinh viên... Đồng thời, trang bị các phần mềm (tuyển sinh online; quản lý văn bằng, chứng chỉ; khảo thí; quản lý khoa học công nghệ - hợp tác đối ngoại; kiểm định chất lượng giáo dục); xây dựng hệ thống đào tạo E-learning; số hóa nguồn tài nguyên thông tin tại thư viện (gồm: Hệ thống giáo án, bài giảng các môn học; luận án, luận văn, khóa luận tốt nghiệp; đề tài nghiên cứu, bài báo khoa học của giảng viên, sinh viên…).
Một hội thảo tổ chức tại Trường Đại học Khánh Hòa.
Theo Tiến sĩ Phan Phiến, Trường Đại học Khánh Hòa là cơ sở giáo dục đại học do tỉnh trực tiếp quản lý, có nhiều điểm khác biệt so với các cơ sở giáo dục đại học khác nên cần có phương án chủ động xây dựng hệ thống thông tin quản lý theo yêu cầu để phù hợp với đặc thù cũng như phục vụ nhu cầu chuyển đổi số tổng thể của trường. Việc xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm: Hạ tầng mạng, hạ tầng máy chủ, lưu trữ và an toàn thông tin được nhà trường xác định là giải pháp cơ bản nhất, làm nền tảng cho công tác chuyển đổi số. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ được xây dựng nhằm bảo đảm yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu với UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục khác thông qua trục tích hợp địa phương và trục tích hợp quốc gia hoặc kết nối trực tiếp. Ngoài ra, nhà trường sẽ đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản trị và ứng dụng công nghệ thông tin cho viên chức, người lao động, sinh viên của trường.
Nhà trường đề ra mục tiêu đến năm 2025, tiếp tục duy trì 100% quy trình công việc được thực hiện bằng quy trình số; 100% ý kiến chỉ đạo được theo dõi và xử lý trên hệ thống quản lý văn bản điện tử E-office; 100% văn bản trao đổi với các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp... dưới dạng điện tử; 100% hồ sơ công việc tại trường được xử lý trên môi trường mạng; 100% thư viện số. Bên cạnh đó, ít nhất 90% sinh viên hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến của trường; triển khai đào tạo trực tuyến 30% chương trình đào tạo chính quy và đào tạo trực tuyến các chương trình đào tạo từ xa, liên thông, văn bằng 2; tổ chức thí điểm thi online một số học phần…
Theo baokhanhhoa.vn