Diện mạo chính quyền số dần hoàn thiện
Thực hiện công tác chuyển đổi số, các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều hệ thống ứng dụng nền tảng số để phục vụ tốt hơn công tác điều hành, chỉ đạo, giải quyết công việc đối với người dân, doanh nghiệp (DN). Thông qua đó, diện mạo chính quyền số - 1 trong 3 trụ cột của công tác chuyển đổi số đang dần được hoàn thiện.
Nhiều tiện ích phục vụ người dân
Thời gian qua, người dân, DN, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đã biết và sử dụng nhiều hơn các hệ thống thông tin, nền tảng số như: Ứng dụng công dân số tỉnh Khánh Hòa; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); hệ thống quản lý cán bộ, công chức; hệ thống thông tin địa lý (GIS) Khánh Hòa; hệ thống quản lý việc giải quyết kiến nghị của cử tri; hệ thống thư điện tử công vụ; hệ thống phản ánh, kiến nghị của người dân, DN về kinh tế - xã hội tỉnh; Cổng Thông tin điện tử tỉnh; Cổng thông tin điện tử xúc tiến đầu tư tỉnh; hệ thống hội nghị giao ban trực tuyến tỉnh vận hành từ cấp tỉnh đến cấp xã… “Tôi đã sử dụng hệ thống phản ánh, kiến nghị của người dân, DN về kinh tế - xã hội tỉnh để phản ánh một số vấn đề bất cập xảy ra trên địa bàn công ty chúng tôi hoạt động. Rất nhanh chóng, ý kiến phản ánh đã được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xác minh, xử lý. Điều đó mang đến sự hài lòng, tin tưởng của chúng tôi đối với các cơ quan thực thi công vụ”, đại diện một DN trên đường Ngô Đến (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) cho biết.
Hình ảnh buổi giới thiệu Trung tâm Thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, ngoài những hệ thống ứng dụng nêu trên, tỉnh đang triển khai các gói thầu giai đoạn đầu tư Dự án Xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh; chuẩn bị đầu tư Dự án Xây dựng kho dữ liệu dùng chung tỉnh; trình thẩm định báo cáo chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng ứng dụng tương tác phục vụ người dân tỉnh Khánh Hòa; triển khai Đề án Phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tổ chức triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024, gồm: Xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) cho các hệ thống thông tin của tỉnh; nâng cấp hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh; nâng cấp mở rộng hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh; nâng cấp, cập nhật hệ thống GIS Khánh Hòa; nâng cấp Cổng Thông tin điện tử tỉnh... Đồng thời, thực hiện duy trì kết nối, tích hợp ổn định giữa hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với các hệ thống thông tin của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Từ tháng 2-2023, tỉnh chính thức triển khai thực hiện khai thác dữ liệu, thông tin người dùng trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh đối với 3 dịch vụ: Xác minh căn cước công dân/chứng minh nhân dân; xác minh thông tin chủ hộ; lấy thông tin công dân phục vụ việc giải quyết TTHC.
Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động
Mới đây, tại phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã ghi nhận nhiều ý kiến của các thành viên về những nội dung nhiệm vụ chuyển đổi số được giao. Qua đó cho thấy quyết tâm của các ngành, địa phương trong nỗ lực xây dựng hệ thống chính quyền số của tỉnh. “Công tác chuyển đổi số của ngành Giáo dục và Đào tạo có 2 nội dung chính cần thực hiện, gồm phần mềm quản trị nhà trường và mô hình thí điểm học bạ số cấp tiểu học. Đến nay, phần mềm quản trị nhà trường đã cơ bản thực hiện xong; mô hình thí điểm học bạ số tiểu học đã triển khai đến các trường và trang bị được 92,45% chữ ký số đối với giáo viên, cán bộ quản lý cấp tiểu học. Theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến ngày 10-6, có 100% cơ sở giáo dục tiểu học sẽ hoàn thành học bạ điện tử cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. Ngày 10-7, hoàn thành vấn đề triển khai thí điểm này”, ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Theo ông Trịnh Ngọc Hiệp - Phó Giám đốc Sở Y tế, sở đang triển khai đề án bệnh viện thông minh tại Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Đa khoa Yersin. Để nhiệm vụ trên được thực hiện theo đúng tiến độ, đạt kết quả như mong muốn, sở đang liên hệ với một số cơ quan chức năng, đơn vị để được hướng dẫn, tư vấn thêm về vấn đề này.
Phát biểu tại phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) để khẩn trương đưa vào hoạt động trong tháng 9; tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực để phục vụ người dân được tốt hơn, thuận tiện hơn.
Đối với tiến độ triển khai nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh ở các địa phương, TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh đã được UBND tỉnh phê duyệt đề án. Thị xã Ninh Hòa đang hoàn thiện đề án theo ý kiến của các cơ quan chuyên môn và báo cáo kết quả kiểm tra chuyên môn của Sở Thông tin và Truyền thông trước khi trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Huyện Cam Lâm đang được Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra chuyên môn lần 2 đối với dự thảo đề án sau khi huyện chỉnh sửa, hoàn thành.
Theo ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, thực hiện Nghị quyết số 16, ngày 19-10-2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đang đi đúng hướng và đi rất nhanh đối với nội dung chính quyền số. Điều này mang đến những tác động tích cực trong vấn đề giải quyết, xử lý công việc của các cơ quan nhà nước với nhân dân. Tuy nhiên, do tỉnh đang triển khai nhiều ứng dụng và ứng dụng nào cũng có rất nhiều thông tin hữu ích nên cần có sự tích hợp, tổng hợp, liên kết lại với nhau nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng. Để công tác chuyển đổi số của tỉnh đạt được những kết quả khả quan, các sở, ngành phụ trách những nhiệm vụ được giao cần xây dựng kế hoạch cụ thể, đánh giá những việc đã làm được, đặt ra mục tiêu, giải pháp thực hiện, hoàn thành theo đúng tiến độ, mục tiêu đặt ra.
Thực hiện kế hoạch về chuyển đổi số tỉnh năm 2024, đến nay, có 19/31 dự án sử dụng vốn đầu tư công đã tổ chức triển khai; 82 nhiệm vụ sử dụng vốn sự nghiệp, trong đó 47/82 nhiệm vụ đã hoàn thành hoặc đang triển khai.
Theo baokhanhhoa.vn