Thực hiện Kế hoạch số 265/KH-BCĐTƯATTP ngày 09/3/2021 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm; ngày 18/3/2021, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch số 979/KH-BCĐLNVSATTP về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa với chủ đề “Đảm bảo An toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”.
Ngày 16/4/2021, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Khánh Hoà phối hợp với huyện Diên Khánh tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2021. Hơn 100 đoàn viên, thanh niên và các sở, ban, ngành liên quan tham gia lễ phát động.
Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Khánh Hoà, Sở Y tế đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh. Qua đó, vận động toàn thể nhân dân, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội tích cực tham gia phòng, chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm và lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tháng hành động nhằm tăng cường công tác thông tin, truyền thông về ATTP, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP. Theo đó, các cấp sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến đảm bảo an toàn điều kiện vệ sinh, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; phổ biến kiến thức, tăng cường trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm theo quy định của pháp luật; vận động người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, kém chất lượng; dùng đúng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe…
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP...
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, Ban chỉ đạo sẽ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc đảm bảo ATTP trên địa bàn quản lý; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiến thức về ATTP tại địa phương; công tác kiểm tra về ATTP. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, Ban chỉ đạo sẽ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP được quy định tại Luật ATTP và các văn bản liên quan. Cùng với đó, các đoàn sẽ kiểm tra thực tế nơi sản xuất, kinh doanh, chế biến của cơ sở; đồng thời tiến hành lấy mẫu kiểm tra khi thấy nghi ngờ… Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện các đơn vị, cá nhân vi phạm sẽ xử lý nghiêm, có thể áp dụng hình thức đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, tịch thu tang vật, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm.
Năm 2020, toàn tỉnh thành lập 172 đoàn kiểm tra, có hơn 5.500 cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh được thanh tra, kiểm tra. Có 3.753 cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh được thanh tra, kiểm tra; phát hiện có 319 cơ sở có hành vi vi phạm, đã xử phạt vi phạm hành chính 05 cơ sở với tổng số tiền phạt là 52 triệu đồng với hành vi: không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không niêm yết giá hàng hóa, niêm yết giá hàng hóa không rõ ràng, quy định ghi nhãn hàng hóa, cống rãnh thoát nước thải khu vực chế biến bị ứ đọng, không được che kín, thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn, không thực hiện chế độ kiểm thực ba bước theo quy định của pháp luật.
Tổng số mẫu thực phẩm xét nghiệm là 229 mẫu, trong đó:
- Xét nghiệm tại labo là 117 mẫu thực phẩm gồm nem chua, xác định hàm lượng Natri benzoat; sữa bắp và trà sữa xét nghiệm Clostridium perfringens, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Steptococci faecal, Escherichia coli, Coliforms, Pb; hạt khô (hạt bí, dưa, bắp), cà phê, muối ớt các loại, gạo, trà, các sản phẩm từ thịt phối trộng (há cảo, chả ram), bò khô, chả lụa, nem chua, mực tươi cấp đông, tôm tươi cấp đông, nước mắm, chả cá, hải sản ăn liền (mực tẩm gia vị, cá tẩm, rong biển sấy), rong nho muối,... xét nghiệm các chỉ tiêu Escherichia Coli, Coliforms, Salmonella, Clostridium perfrimgens, Pb, Cd, Hg, Nấm men, nấm mốc, Cafein , Abamectin, Aflatoxin tổng số...; kết quả phát hiện 04 mẫu cà phê không đạt chỉ tiêu cafein theo hồ sơ công bố, 03 mẫu (gạo, trà, chả ram) không đạt chỉ tiêu nấm men, nấm mốc.
- Xét nghiệm nhanh 112 mẫu thực phẩm với các chỉ tiêu methanol, Focmon, Hàn the, phẩm màu kiềm, Salicylic, hypocloric, dư lượng thuốc trừ sâu, độ ôi khét của dầu mỡ và nitrat, nitrit trong thực phẩm...; kết quả 100 % mẫu thực phẩm đạt chỉ tiêu. Ngoài ra, xét nghiệm nhanh tinh bột 926 mẫu dụng cụ sạch (tô, chén, dĩa, muỗng...), kết quả có 110 mẫu không đạt (chiếm 11,88%). Nguồn Cổng điện tử Sở Y tế Khánh Hòa
Đang online: 185
Số lượt truy cập: 1069274