Ngành Ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, mang đến những lợi ích, trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng.
Đa dạng ứng dụng số
Vừa đến trụ sở giao dịch VietinBank Chi nhánh Khánh Hòa, bà Trần Thị Thanh (TP. Nha Trang) được nhân viên chi nhánh hướng dẫn đến chỗ đặt thiết bị nhận diện sinh trắc học. Tại đây, sau khi nhận diện khuôn mặt, các thông tin của bà Thanh được hiển thị (do đã có tài khoản của ngân hàng), kèm với các loại giao dịch để bà lựa chọn như: Rút tiền, gửi tiết kiệm, đáo hạn… Khi bà Thanh chọn gửi tiết kiệm, màn hình hiển thị các bước như: Số tiền gửi; kỳ hạn; phương thức trả lãi; hình thức nhận lãi; số tài khoản nhận lãi… để bà nhập dữ liệu. Kết thúc quy trình, bà Thanh nhận giấy ghi số thứ tự và đến gặp giao dịch viên nhận sổ tiết kiệm. “Nhờ thiết bị sinh trắc học này, tôi thấy thời gian giao dịch rút ngắn lại, không còn phải chờ đợi như các lần trước. Các thông tin, yêu cầu của tôi đã được nhập sẵn, tôi chỉ vào quầy chờ giao dịch viên hoàn tất các thủ tục còn lại”, bà Thanh nói.
Nhân viên VietinBank Chi nhánh Khánh Hòa hướng dẫn khách hàng sử dụng thiết bị nhận diện sinh trắc học.
Bà Đỗ Thị Bích Phương - Phó Giám đốc VietinBank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, đầu năm 2024, Ban chuyển đổi số được thành lập và triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng và tăng năng suất lao động tại chi nhánh. Trong đó phải kể đến các giải pháp giải ngân và phát hành bảo lãnh online ngay trên chương trình VTB Efast, giúp khách hàng không mất thời gian đi lại và tiết kiệm chi phí in ấn hồ sơ; giải ngân vốn vay online dành cho khách hàng cá nhân trên ứng dụng VTB Ipay với mức giải ngân tối đa lên tới 300 triệu đồng/lần. Hướng đến việc số hóa các sản phẩm dịch vụ, chi nhánh cũng triển khai việc nhận diện, phân luồng khách hàng đến giao dịch bằng thiết bị nhận diện sinh trắc học; quy trình giao dịch tại quầy được số hóa với hệ thống sản xuất hồ sơ tự động; bố trí các máy R-ATM, máy POS có thể nộp, rút tiền nhanh chóng với số tiền lớn, tiết kiệm thời gian giao dịch tại quầy cho khách hàng. Bên cạnh đó, chi nhánh còn sử dụng phần mềm sản xuất hồ sơ tự động với chức năng lưu trữ toàn bộ dữ liệu về khách hàng và liên kết với các hồ sơ sản phẩm dịch vụ tiền vay, tiền gửi. Nhờ đó, khi khách hàng phát sinh nhu cầu vay vốn hoặc mở tài khoản, nhân viên chi nhánh giảm thời gian sản xuất hồ sơ lên đến 50% so với trước đây.
Hiện nay, các ngân hàng tập trung đầu tư nhiều nguồn lực vào phát triển ứng dụng số. Bên cạnh việc chú trọng mở rộng tính năng, đảm bảo tính ổn định và bảo mật, các ngân hàng cũng ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại nhằm gia tăng và tối ưu trải nghiệm cho người dùng. Đơn cử, ứng dụng Apple Pay của ACB được đông đảo khách hàng đón nhận. Đây là một phương thức thanh toán an toàn, bảo mật và riêng tư giúp khách hàng tránh việc đưa thẻ thanh toán cho người khác, hoặc chạm vào các nút thanh toán vật lý hay trao đổi tiền mặt. Để sử dụng, khách hàng chỉ cần nhấn đúp và giữ iPhone hoặc Apple Watch gần cổng thanh toán để thực hiện thanh toán không tiếp xúc. Mỗi giao dịch bằng Apple Pay đều được bảo mật vì được xác thực bằng Face ID, Touch ID hoặc mật khẩu của thiết bị, cùng với mã bảo mật động dùng một lần. Apple Pay được chấp nhận tại các cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc, hãng taxi, nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng bán lẻ và nhiều nơi khác.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, 8 tháng năm 2024, chi nhánh đã chỉ đạo tổ chức tín dụng thực hiện thúc đẩy chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; áp dụng biện pháp phòng, chống rủi ro gian lận trong mở tài khoản thanh toán; phổ biến, tuyên truyền Nghị định 52 ngày 15-5-2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh về chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng… Đặc biệt, trong kế hoạch chuyển đổi số 8 tháng qua, việc triển khai các hoạt động đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt được xem là điểm nhấn nổi bật với nhiều chương trình như: Triển khai thí điểm mô hình Chợ không dùng tiền mặt tại chợ Xóm Mới, chợ Đầm, Vĩnh Hải và chợ Phương Sơn; tổ chức workshop giáo dục tài chính cho hơn 150 học sinh và phụ huynh với chủ đề “Biết tiêu tiền, tránh ưu phiền”; ký kết với Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai chương trình phối hợp về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp; phối hợp với cơ quan thuế đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn tỉnh.
Ông Đỗ Trọng Thảo - Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa đánh giá, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực, chủ động tham gia chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới dựa trên ứng dụng công nghệ hiện đại; tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Nhờ đó, hoạt động chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh hiện có 1.871.099 tài khoản của tổ chức và cá nhân (trong đó tài khoản cá nhân chiếm gần 98%), bình quân 1 người dân Khánh Hòa có 1,5 tài khoản. Hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, nhiều ngân hàng có hơn 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành các mô hình hoạt động ngân hàng dựa trên dữ liệu và công nghệ số; triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công trên địa bàn tỉnh; giới thiệu khách hàng các sản phẩm, dịch vụ mới…
Theo baokhanhhoa.vn.