Nỗ lực
đào tạo và chuyển đổi số
Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) và Ngoại ngữ (gọi
tắt là trung tâm) thuộc Trường Đại học Thông tin liên lạc là công trình hợp tác
quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ từ năm 2015. Việc xây dựng trung tâm nhằm mở
ra một hướng đi mới trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, giỏi về
ngoại ngữ, có khả năng nghiên cứu, phát triển các sản phẩm CNTT phục vụ nhu cầu
an ninh quốc phòng và xã hội. Sau 7 năm hoạt động, trung tâm đã có nhiều nỗ lực
trong đào tạo và chuyển đổi số.
Đào tạo hàng chục
ngàn học viên
Hiện nay, trung tâm có đội ngũ gần 150 cán bộ, chuyên
gia, kỹ sư, nghiên cứu viên, với hệ thống cơ sở vật chất khang trang và các
trang thiết bị hiện đại. Trung tâm đã hoàn thành đào tạo về quản trị mạng, lập
trình ứng dụng, an toàn an ninh thông tin, chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT cho gần
20.000 lượt cán bộ lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức trong khu vực. Bên
cạnh đó, trung tâm phối hợp với Cục CNTT tổ chức khóa đào tạo an toàn, an ninh
thông tin cho 25 cán bộ toàn quân do chuyên gia Nhật Bản thực hiện theo kế
hoạch của Bộ Tổng Tham mưu; bồi dưỡng chuẩn kỹ năng CNTT chuyên nghiệp cho 14
giảng viên của Khoa CNTT - Tác chiến không gian mạng; bồi dưỡng nghiệp vụ quản
lý Data Center cho 15 cán bộ, nhân viên của nhà trường. Trung tâm cũng đào tạo
chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản cho hơn 11.750 cán bộ, giảng viên, học viên
của nhà trường, cán bộ quân đội, công an và công chức địa phương.
Ký kết hợp tác với Tập đoàn công nghệ Beowulf Blockchain.
Về ngoại ngữ, trung tâm tổ chức đào tạo nhiều lớp tiếng
Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật các cấp độ; tổ chức ôn, thi đánh giá năng lực
tiếng Anh quốc tế theo chuẩn IELTS, TOEIC và Cambridge cho hàng ngàn lượt thí
sinh là cán bộ quân đội trong toàn quân, công chức, viên chức, sinh viên các
trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Trong đó, trung tâm tổ chức đào tạo:
tiếng Anh trình độ B1 cho 244 học viên; tiếng Anh trình độ B2 cho 97 học viên;
tiếng Anh - Úc cho 245 học viên; tiếng Anh giao tiếp cho 824 học viên; tiếng
Trung giao tiếp cho 15 học viên; tiếng Nhật giao tiếp cho 18 học viên. Ngoài
ra, trung tâm còn tổ chức ôn thi cấp chứng chỉ tiếng Anh các cấp độ cho hơn
7.000 thí sinh.
Nghiên cứu phát
triển sản phẩm công nghệ thông tin
Hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm CNTT bước đầu đã
khẳng định được thế mạnh của đơn vị. Nhiều dự án phát triển phần mềm thực hiện
chuyển đổi số được trung tâm thực hiện thành công, như: Phần mềm quản lý kết
quả kiểm tra thể lực của Bộ Tổng Tham mưu; nâng cấp phần mềm quản lý giáo dục -
đào tạo cho nhà trường thông minh; cổng thông tin điện tử của Ban Chỉ đạo
phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; hệ thống quản lý trường học -
Schoolity; hệ thống giám sát hành trình phương tiện giao thông; phần mềm quản
lý bảo dưỡng, sửa chữa máy điều hòa dân dụng; phần mềm quản trị doanh nghiệp; cơ
sở dữ liệu phục vụ giáo dục quốc phòng an ninh; phần mềm chữ ký số; phần mềm
quản lý thư viện; nền tảng hỗ trợ việc học và thi trực tuyến E-learning...
Đến nay, trung tâm đã hợp tác với nhiều đối tác triển
khai các dự án CNTT như: Khu phần mềm Quang Trung (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm
Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ cao (Tecapro), Công ty InCom, Công ty Xelex, Công
ty TNHH IVS Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ sư công nghệ cao Việt Nam, Công ty
Patsoft, Công ty Storm 12, Công ty Châu Á Việt, Công ty Beet Soft... Một số dự
án đã hoàn thành có chất lượng tốt, tính ứng dụng cao, được triển khai khai
thác mang lại lợi ích thực tiễn, như: Phần mềm quản lý nông nghiệp công nghệ
cao; ứng dụng học tiếng Nhật; hệ thống quản lý, giám sát bãi đậu xe ô tô
có thu phí lòng đường thành phố; hệ thống nhận diện khuôn mặt cho khu vực nhà
trọ; hệ thống lưu trữ bằng cấp chứng chỉ trên nền tảng công nghệ Blockchain
(ASPLOMA)…
Theo Đại tá Trần Văn Thuận - Giám đốc Trung tâm CNTT và
Ngoại ngữ, với vai trò quan trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ
quốc phòng và nhu cầu dân sự, công nghiệp lưỡng dụng, thời gian tới, trung tâm
phấn đấu trở thành doanh nghiệp vừa của quân đội, tạo việc làm thường xuyên cho
khoảng 1.000 người, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao, tham
gia hiệu quả vào thị trường CNTT và ngoại ngữ trong nước và thế giới. Đơn vị sẽ
tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng từ cơ bản đến nâng cao về CNTT
và ngoại ngữ theo chuẩn quốc gia và quốc tế; đa dạng hóa các loại hình, phương
thức đào tạo. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm đối tác, thâm nhập thị trường để
từng bước chiếm lĩnh thị phần cung cấp trang thiết bị CNTT, điện tử viễn thông
trong quân đội và khu vực; triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ theo khả
năng và nhu cầu của thị trường; tiếp cận thị trường gia công phần mềm trong
nước và thế giới...
Theo baokhanhhoa.vn